Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường (VinaCapital). |
Ông đánh giá thế nào về điểm đến Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?
Dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn duy trì sức mạnh đáng kể trong năm 2024 và có dấu hiệu rõ ràng cho thấy, FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong nhiều năm tới. Trong 9 tháng đầu năm 2024, vốn FDI thực hiện đạt hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Dòng vốn FDI cũng tương đương 5% GDP như năm ngoái và VinaCapital dự đoán, mức này sẽ tiếp tục duy trì trong năm tới. Đặt những con số này vào bối cảnh vốn FDI vào Trung Quốc đạt đỉnh khoảng 5% GDP, thì có thể thấy, Việt Nam thường xuyên thu hút vốn FDI tương đương với mức Trung Quốc thu hút trong thời kỳ đỉnh cao. Vốn FDI vào Việt Nam từng đạt đỉnh tới 8-9% GDP.
Việt Nam vẫn là điểm thu hút lớn đối với FDI vì các công ty đa quốc gia ấn tượng với chất lượng lao động của Việt Nam (mức lương công nhân chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc) và chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, đảm bảo để các công ty đa quốc gia thiết lập nhà máy tại Việt Nam có thể dễ dàng nhập các linh kiện quan trọng từ Trung Quốc và xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện đến Mỹ và EU.
Việt Nam liệu có nguy cơ mất sức hấp dẫn trong thời gian tới không, thưa ông?
Đã có một số lo ngại rằng, Ấn Độ có thể nổi lên như một đối thủ lớn của Việt Nam trong việc thu hút FDI. Những lo ngại này gia tăng sau khi CEO Tim Cook của Apple thăm Ấn Độ vào đầu năm ngoái và công bố những khoản đầu tư đáng kể vào quốc gia này. Tuy nhiên, phần lớn vốn FDI vào Ấn Độ tập trung vào sản xuất các sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa, chứ không phải để xuất khẩu ra thế giới. Trong trường hợp của Apple, Ấn Độ không sản xuất đủ iPhone để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng, ngay cả sau những khoản đầu tư thêm của Apple và các nhà cung cấp của họ vào Ấn Độ.
Indonesia là một quốc gia khác mà VinaCapital thường xuyên được hỏi về FDI và liệu có đe dọa vị thế của Việt Nam không. Chúng tôi không tin rằng, Indonesia sẽ tạo một nguy cơ. Sự bùng nổ dòng vốn FDI vào Indonesia gần đây xuất phát từ việc chính phủ quốc gia này siết chặt xuất khẩu một số khoáng sản thô (như nickel), và thay vào đó, buộc các công ty đa quốc gia đầu tư vào các cơ sở chế biến tại Indonesia.
Việc Indonesia thông qua các luật yêu cầu chế biến khoáng sản trong nước, cùng với sự gia tăng nhu cầu về kim loại cho pin EV (xe điện) đã giải thích tại sao gần đây có cơn sốt nhỏ về vốn FDI vào Indonesia. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Indonesia là “Saudi Arabia của kim loại EV”, vì quốc gia này có nhiều khoáng sản cần thiết cho pin xe điện.
Từ phân tích những ưu và nhược điểm của các đối thủ tiềm năng của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI, có thể kết luận rằng, có rất ít quốc gia trên thế giới phù hợp như Việt Nam để sản xuất các loại sản phẩm mà các công ty FDI đang sản xuất tại đây, như sản phẩm công nghệ cao, điện thoại thông minh, điện tử tiêu dùng và các sản phẩm khác được lắp ráp tại Việt Nam.
Do đó, VinaCapital dự báo, đầu tư sẽ tiếp tục chảy vào sản xuất các sản phẩm như trên tại Việt Nam trong nhiều năm tới, bất kể Chính phủ Việt Nam có tích cực mời gọi các nhà đầu tư đa quốc gia hay không, vì Việt Nam tự bản thân đã thu hút được các nhà đầu tư đó.
Việt Nam có thể duy trì vị trí dẫn đầu trong thu hút FDI như thế nào, thưa ông?
Có nhiều chính sách mà Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện để đất nước trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, cơ chế Hợp đồng mua điện trực tiếp (DPPA) mới của Việt Nam sẽ thu hút nhiều vốn FDI hơn, vì các công ty nước ngoài ngày càng quan tâm đến việc giảm phát thải carbon và cơ chế DPPA cho phép các nhà sản xuất FDI trực tiếp mua điện từ các trang trại gió, cơ sở sản xuất điện mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác.
Chính phủ Việt Nam cũng có thể cải thiện xếp hạng thân thiện với doanh nghiệp bằng cách giảm bớt gánh nặng hành chính đối với dự án đầu tư. Ví dụ, trong quá khứ, VinaCapital đã đề xuất, Việt Nam nên thiết lập một “cơ quan xúc tiến đầu tư (IPA)”, chiến lược tương tự được áp dụng tại một số quốc gia khác mà Việt Nam đang cạnh tranh trong thu hút FDI.
Cuối cùng, nhưng cũng rất quan trọng, là việc Chính phủ tiếp tục chi 5-6% GDP cho đầu tư kết cấu hạ tầng trong những năm tới để duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với việc hoàn thành nhanh chóng đường truyền tải điện Quảng Trạch - Phố Nối từ miền Trung ra miền Bắc - nơi đã trải qua tình trạng cắt điện vào năm ngoái. Việc hoàn thành nhanh chóng dự án này trong vòng một năm, thay vì 2-3 năm là một chỉ báo cho thấy, Chính phủ rất nghiêm túc về vấn đề này và đây cũng là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.