Đầu tư
Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu: Giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực và tận dụng tác động tích cực
Kevin Lam - 07/01/2024 13:22
Bằng cách thực hiện một số biện pháp, Việt Nam có thể giảm thiểu tác động tiêu cực và tận dụng tác động tích cực của thuế tối thiểu toàn cầu.
Việt Nam là một trong những quốc gia bày tỏ sự ủng hộ và cam kết đối với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Đ.T

Ngăn chặn hành vi tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu hướng đến việc thiết lập mức thuế tiêu chuẩn đối với thu nhập doanh nghiệp cho hầu hết các quốc gia trên thế giới theo thỏa thuận quốc tế. Mục đích của chính sách này là ngăn chặn hành vi tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia bằng cách chuyển lợi nhuận của họ sang các khu vực pháp lý có mức thuế thấp.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu bao gồm hai trụ cột: Trụ cột 1 và Trụ cột 2. Trụ cột 1 tập trung vào việc tái phân bổ một số quyền đánh thuế cho các khu vực pháp lý nơi các tập đoàn đa quốc gia hoạt động, ngay cả khi họ không có sự hiện diện thực tế ở đó. Trụ cột 2 tập trung vào việc thiết lập một mức thuế hiệu quả tối thiểu là 15%, áp dụng cho tất cả các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu euro.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đã được 136 quốc gia và khu vực pháp lý thừa nhận, tạo thành Khuôn khổ hợp tác toàn diện của OECD/G20 về việc xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về mặt kỹ thuật và chính trị cần vượt qua trước khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong thực tế.

Ví dụ, Trụ cột 1 yêu cầu một công ước đa phương để sửa đổi các hiệp ước thuế song phương hiện có, điều này có thể vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia hoặc yêu cầu phê chuẩn bởi nghị viện của các quốc gia. Trụ cột 2 yêu cầu cách tiếp cận phối hợp giữa các quốc gia để thông qua luật pháp và quy định trong nước sở tại - các yếu tố có thể khác nhau về phạm vi và thời gian.

Việt Nam là một trong những quốc gia bày tỏ sự ủng hộ và cam kết đối với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và đã có những bước đi đầu tiên trong việc ứng dụng Trụ cột 2 vào pháp luật trong nước.

Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã phê duyệt Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Nghị quyết bao gồm quy tắc tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IRR) và Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT). Các quy định này đã được điều chỉnh để phù hợp với các quy tắc Chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) của OECD.

Nguyên tắc Tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) yêu cầu công ty mẹ của một tập đoàn đa quốc gia phải nộp thuế bổ sung ở nước sở tại, nếu mức thuế thu nhập hiệu quả của các công ty con ở nước ngoài thấp hơn thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Điều này có nghĩa là các tập đoàn đa quốc gia Việt Nam sẽ phải nộp thuế bổ sung nếu mức thuế thu nhập hiệu quả của công ty con ở nước ngoài của họ dưới 15%.

Quy định về Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) cho phép một quốc gia áp thuế bổ sung đối với thu nhập của các tập đoàn đa quốc gia có quốc tịch nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ của mình, nếu mức thuế thu nhập hiệu quả của họ thấp hơn mức 15% của thuế tối thiểu toàn cầu. Như vậy, công ty con tại Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài sẽ phải nộp bổ sung thuế tại Việt Nam lên đến 15% và điều này sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế.

Tác động đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể có ý nghĩa quan trọng đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong tương lai, vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài chính trong khu vực ASEAN.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể có ý nghĩa quan trọng đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong tương lai, vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài chính trong khu vực ASEAN.

Tác động của Trụ cột 1 theo chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể phụ thuộc vào một số yếu tố, như quy mô và lĩnh vực của các tập đoàn đa quốc gia, loại hình và mức độ hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường Việt Nam, chính sách thuế hiện tại và tương lai của Việt Nam và của quốc gia cư trú, các yếu tố phi thuế ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ.

Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào hành động và phản ứng của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Liệu các quốc gia này, trong đó có Việt Nam, có điều chỉnh chính sách thuế và ưu đãi thuế để phù hợp với những thay đổi do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu? Liệu Việt Nam có điều chỉnh ưu đãi đầu tư hoặc giảm thuế đối với một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài không? Những thay đổi về chính sách thuế như vậy, nếu có, có thể là yếu tố tác động tới đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Thêm vào đó, tác động có thể khác nhau đối với các loại hình đầu tư trực tiếp nước ngoài khác nhau, như dự án đầu tư mới, sáp nhập và mua lại hoặc liên doanh. Theo đó, dự án đầu tư mới có thể nhạy cảm hơn với sự thay đổi về thuế, vì liên quan đến việc thiết lập các hoạt động và cơ sở mới ở nước sở tại.

Trong khi đó, sáp nhập và mua lại đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể ít nhạy cảm hơn với sự điều chỉnh về thuế vì liên quan đến việc mua lại tài sản và hoạt động kinh doanh hiện có ở nước sở tại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài dưới hình thức liên doanh có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế và ưu đãi của các đối tác địa phương, cũng như các thỏa thuận hợp đồng và cơ cấu quản trị của liên doanh.

Điều quan trọng cần lưu ý là, từ góc độ thuế, thuế tối thiểu toàn cầu chỉ ảnh hưởng đến các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu toàn cầu hàng năm từ 750 triệu euro, chứ không ảnh hưởng đến các tập đoàn đa quốc gia hoặc công ty có doanh thu hàng năm dưới 750 triệu euro. Chúng ta hãy xem xét 2 nhóm đối tượng này một cách riêng biệt.

Đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu euro, nếu họ có hoặc có ý định thành lập công ty với quy mô lớn để hoạt động và sinh lời tại Việt Nam với mức thuế thu nhập hiệu quả dưới 15% và nếu được hưởng ưu đãi thuế tại Việt Nam, họ có thể phải nộp thêm thuế cho Việt Nam theo Trụ cột 1, vì Việt Nam sẽ có được một số quyền đánh thuế đối với lợi nhuận của họ.

Điều này có thể làm giảm lợi tức đầu tư sau thuế ở Việt Nam và khiến Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng chỉ áp dụng nếu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào các dự án được hưởng ưu đãi thuế. Nếu các tập đoàn đa quốc gia có sự hiện diện nhỏ hoặc không đáng kể ở Việt Nam, thì họ có thể không bị ảnh hưởng bởi Trụ cột 1, vì thuế bổ sung, nếu có, có thể rất nhỏ.

Đối với các tập đoàn đa quốc gia và các nhà đầu tư khác, với doanh thu toàn cầu hàng năm dưới 750 triệu euro, tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với các quyết định đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào Việt Nam có thể không đáng kể, vì các tập đoàn đa quốc gia này sẽ không phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu và tiếp tục nộp thuế theo quy định nội địa của Việt Nam và nước sở tại.

Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia này vẫn có thể phải đối mặt với một số thay đổi trong môi trường thuế và các yêu cầu của thị trường do thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính hấp dẫn đầu tư và khả năng cạnh tranh của họ.

Tận dụng các cơ hội mà thuế tối thiểu toàn cầu mang lại

Mặc dù việc áp dụng Trụ cột 1 theo thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 có thể có tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong tương lai, nhưng tác động này có thể không đồng nhất hoặc chưa thể dự đoán, thậm chí có thể không đáng kể. Do thuế tối thiểu toàn cầu đang được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới, nên việc triển khai Trụ cột 2 ở Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Ý kiến của người viết dựa trên thực tế là các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải chịu 15% thuế tối thiểu toàn cầu, ở bất kỳ quốc gia nào họ đầu tư vào. Nếu đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào một quốc gia không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì các tập đoàn đa quốc gia vẫn sẽ phải trả mức cao nhất thuế tăng thêm ở quốc gia cư trú của họ theo quy tắc tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu không phải là sự thay đổi trong chính sách thuế của riêng Việt Nam, mà nằm trong chủ trương của OECD và đang được hầu hết các nước trên thế giới triển khai. Nếu đây là một thay đổi riêng biệt ở Việt Nam, thì rõ ràng, sẽ có tác động đáng kể đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, hầu hết dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đều đến từ các tập đoàn đa quốc gia, hoặc các nhà đầu tư có doanh thu toàn cầu hàng năm dưới 750 triệu euro. Do đó, việc thực hiện Trụ cột 2 sẽ không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ nhóm nhà đầu tư này.

Thuế suất ở Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Do đó, chỉ những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài có doanh thu toàn cầu hàng năm đạt 750 triệu euro có ý định đầu tư vào các dự án được hưởng ưu đãi miễn thuế hoặc ưu đãi thuế mới bị ảnh hưởng.

Khi đưa ra quyết định đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một quốc gia, các nhà đầu tư thường xem xét các yếu tố phi thuế ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ, như quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tiềm năng đổi mới của quốc gia đó. Việt Nam có thể giảm thiểu tác động tiêu cực và tận dụng tác động tích cực của thuế tối thiểu toàn cầu bằng cách thực hiện một số biện pháp.

Cụ thể là cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư, đa dạng hóa nguồn và lĩnh vực cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải cách khung chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài và hệ thống khuyến khích, tăng cường hợp tác và điều phối thuế quốc tế. Những biện pháp này có thể giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội mà thuế tối thiểu toàn cầu có thể mang lại, như giảm cạnh tranh thuế và chuyển lợi nhuận, tăng thu thuế và chi tiêu công, tạo sân chơi bình đẳng hơn cho doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác