Mở đầu buổi họp báo diễn ra chiều nay (25/2), ông Lê Hải Bình cho biết:
Từ ngày 26 - 27/2/2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Viêng Chăn, Lào theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Là Thoonglun Sisulith.
Đây là hội nghị khởi đầu cho năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào, với chủ đề là Đưa tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động, và cũng là hội nghị đầu tiên sau khi ASEAN chính thức hình thành Cộng đồng.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ tập trung trao đổi về các định hướng ưu tiên, cũng như trọng tâm hoạt động của ASEAN trong năm 2016, quan hệ đối ngoại của ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: Kỳ Thành |
Tại phần trả lời câu hỏi của các phóng viên, tất cả các câu hỏi đều xoay quanh những diễn biến căng thẳng đang diễn ra trong thời gian gần đây tại Biển Đông.
PV: Trước việc truyền thông Mỹ cáo buộc Trung Quốc điều chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và đặt hệ thống radar ở Hoàng Sa, xin Bộ Ngoại giao xác minh thông tin và cho biết phản ứng của Việt Nam?
Người phát ngôn Lê Hải Bình: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam, cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, mà còn đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực cũng như an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có lời nói, hành động trách nhiệm mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
PV: Người phát ngôn vừa thông báo Phó Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị Ngoại trưởng, tại hội nghị này các vấn đề khu vực cũng như quốc tế sẽ được trao đổi. Như vậy, phía Việt Nam có nêu lên diễn biến Biển Đông mới diễn ra gần đây tại Hội nghị này hay không?
Báo Mỹ gần đây có đưa tin quan chức Lầu Năm Góc có nói Mỹ có kế hoạch triển khai dàn pháo di động đến Biển Đông. Việt Nam có bình luận gì về hoạt động này?
Người phát ngôn Lê Hải Bình: Đúng như phóng viên đã nói, các vấn đề quốc tế và khu vực mà các nước ASEAN quan tâm sẽ được nêu và trao đổi tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao sắp tới. Bất cứ vấn đề nào đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng sẽ được nêu ra.
Như tôi đã trả lời ở câu hỏi đầu tiên, các diễn biến gần đây đã cho thấy hòa bình, ổn định, an ninh an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đang bị đe dọa. Việc duy trì bình, ổn định, an ninh an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực.
Vì vậy, Việt Nam mong muốn các bên có hành động trách nhiệm mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
PV: Với các động thái leo thang gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, Trung Quốc đã thực sự thay đổi cục diện cũng như các lực lượng trên Biển Đông. Một trong những nỗ lực của Hoa Kỳ đáp trả lại đó là tiếp tục tuần tra ở Biển Đông và kêu gọi các nước tham gia. Nếu phía Hoa Kỳ hoặc các đồng minh có lời đề nghị, Việt Nam có tham gia cùng tuần tra Biển Đông với Hoa Kỳ và các nước khác như Australia, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines để khẳng định chủ quyền của Việt Nam và quyền tự do đi lại của các nước hay không?
Chính sách không liên minh với nước này để chống lại nước khác của Việt Nam có cản trở Việt Nam tham gia những hoạt động tuần tra chung như vậy hay không?
Người phát ngôn Lê Hải Bình: Như trên tôi đã nói, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình tại khu vực này phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Chúng tôi cũng khẳng định là các hoạt động này của các lực lượng chức năng Việt Nam luôn đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình là Việt Nam tôn trọng quyền đi lại vô hạn trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị tất cả các nước có đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ của Việt Nam đã được các nước trong và ngoài khu vực đánh giá cao và góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
PV: Chúng ta cũng đã chứng kiến rất nhiều những diễn biến leo thang căng thẳng tại Biển Đông từ trước. Lần này, với sự triển khai các hệ thống radar, máy bay chiến đấu và các hệ thống thì có khác gì so với những sự leo thang căng thẳng trước đây hay không, liệu nó có nghiêm trọng hơn hay không hay cũng giống như sự leo thang căng thẳng lần trước?
Người phát ngôn Lê Hải Bình: Những diễn biến gần đây ở khu vực, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho thấy nguyên trạng của khu vực đang bị phá vỡ, đặc biệt đáng lo ngại hơn là tình trạng quân sự hóa Biển Đông. Chúng tôi cho rằng, đây là hai diễn biến hết sức đáng lo ngại và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.