Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) |
Hoạt động kinh tế 2 tháng đầu năm nay có rất nhiều điểm sáng, trong đó có thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thưa bà?
Có thể nói, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm nay viết tiếp câu chuyện thần kỳ đã đạt được kể từ giữa năm 2023. Năm ngoái, Việt Nam thu hút trên 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng trên 32% so với năm 2022. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng ở mức gần như khó dự đoán (tăng trên 62%). Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bỏ ra hơn 8,5 tỷ USD góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp tại Việt Nam, tăng tới 65,7%. Chưa kể, các dự án FDI đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn gần 7,9 tỷ USD.
Điều đáng ghi nhận nữa là, năm 2023, không chỉ thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, mà còn thu hút được nhiều dự án FDI “khủng”, như Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,99 tỷ USD; Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà tại Quảng Ninh, tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD; Dự án Nhà máy Lite-On, tổng vốn đầu tư đăng ký 690 triệu USD với mục tiêu sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tại Quảng Ninh; Dự án Nhà máy LG Innotek tại Hải Phòng điều chỉnh vốn tăng thêm 1 tỷ USD.
Kỳ tích này tiếp tục được kéo dài sang năm nay, khi 2 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù 2 tháng đầu năm nay, cả nước nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thân - kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, nhưng vẫn có 405 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng hơn 55% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Điều đáng mừng nữa là, Việt Nam tiếp tục thu hút được “đại bàng về làm tổ”, với 2 dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, tổng cộng khoảng 1,1 tỷ USD.
Nhưng thưa bà, thu hút vốn FDI điều chỉnh vẫn là “một nốt trầm”?
Tổng vốn FDI đăng ký điều chỉnh năm ngoái đạt gần 7,9 tỷ USD, giảm trên 22% so với năm 2022, nhưng tốc độ giảm nguồn vốn này được cải thiện dần qua từng tháng.
Cụ thể, lũy kế 12 tháng năm 2023, vốn FDI điều chỉnh giảm 22%, thay vì giảm trên 32% sau 11 tháng đầu năm và giảm tới 39% trong 10 tháng đầu năm 2023. Vốn FDI đăng ký điều chỉnh giảm, nhưng số lượt dự án tăng vốn lại tăng 14%, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam, nên tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Bước sang năm 2024, xu hướng tích cực vẫn tiếp diễn, khi có 159 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư trong 2 tháng đầu năm, tăng 19,5% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký tăng thêm vẫn giảm, nhưng chỉ giảm 17,4%, thay vì giảm 23% trong tháng 1/2024.
Từ số liệu trên, bà có thể đưa ra nhận định gì?
Vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam năm 2020 giảm 25%; sang năm 2021 phục hồi nhẹ trở lại với mức tăng 9,2%, nhưng tăng trên nền giảm mạnh của năm trước đó, nên vẫn giảm mạnh so với năm 2019. Sang năm 2022, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm, với mức giảm 11% và vẫn giảm trong những tháng đầu năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực sự bật tăng trở lại kể từ quý II/2023 và kết quả là cả năm 2023 tăng trên 32% và 2 tháng đầu năm nay tăng tăng 38,6%. Đây là động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Kết quả trên có được là do môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Đây cũng là hệ quả tất yếu khi Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Hoa Kỳ trong năm 2023.
Với những động thái khá tích cực trong thu hút vốn FDI, bà có tin rằng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và có xu hướng tiếp tục gia tăng đầu tư trong năm 2024 và các năm tiếp theo?
Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược với 18 quốc gia, trong đó có 6 quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện (mới nhất Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản); tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam đã tạo niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài bằng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ cộng động doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Hạ tầng giao thông huyết mạch tuyến Bắc-Nam, giao thông liên vùng, liên tỉnh dần được cải thiện mạnh mẽ; nhiều chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực thi hiệu quả. Các yếu tố này đã tác động tích cực đến nhà đầu tư nước ngoài trong quyết định đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là năng lực cung cấp điện và hạ tầng giao thông, kho vận; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai… Đó là điểm cộng trong thu hút FDI trong năm nay và những năm tiếp theo.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài nghĩ gì về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam?
Theo Sách Trắng 2024 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian qua được cải thiện đáng kể, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Trên 63% doanh nghiệp đến từ EU được khảo sát đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến FDI hàng đầu của họ. Khoảng 31% đánh giá Việt Nam là một trong 3 mục tiêu đầu tư hàng đầu, trong đó, 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất. Đáng chú ý, hơn một nửa số doanh nghiệp EU được khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, mới đây, Fitch Ratings - một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế - đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ viễn cảnh kinh tế tích cực.