Ngân hàng
Vietcombank đề xuất nới room ngoại lên 35%, tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn
T.L - 10/01/2022 12:05
Sáng ngày 10/1, Ngân hàng TMCP Vietcombank (Vietcombank - mã chứng khoán VCB) tổ chức tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022.

Hoàn thành mọi chỉ tiêu kinh doanh năm 2021, vô địch bao phủ nợ xấu  

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết sáng nay, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, ngân hàng đã chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Vietcombank đạt và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ và HĐQT giao.

Cụ thể, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu huy động vốn theo đúng định hướng. Huy động vốn thị trường I đạt 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả; kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng. Dư nợ tín dụng đạt 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020, góp phần cung ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời tuân thủ giới hạn tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN. 

Ngân hàng thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 - sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỉ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (424%). 

Doanh số thanh toán và sử dụng thẻ tăng 19,2% so với 2020. Doanh số mua bán ngoại tệ tăng 13,2% so với năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế đạt kế hoạch NHNN và ĐHĐCĐ giao trong năm 2021. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2020.

Chỉ số sinh lời của ngân hàng rất tốt: ROAA và ROAE tăng cao so với 2020, đạt mức 1,6% và 21%. 

Trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của dịch COVID-19 thông qua các gói hỗ trợ lãi suất, giảm phí và giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu dư nợ hiện hữu.

Tổng dư nợ được hỗ trợ miễn giảm lãi suất cho vay tại thời điểm 31/12/2021 đạt ~ 680.000 tỷ đồng, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất khoảng 7.100 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với hỗ trợ năm 2020. Tổng dư nợ khách hàng được cơ cấu lại nợ là hơn 10.540 tỷ đồng trong đó dư nợ gốc 9.410 tỷ và dư nợ lãi 1.130 tỷ đồng.

Năm 2021, Vietcombank tiếp tục giữ vị trí đầu ngành về nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng, đóng góp cho công tác an sinh xã hội, phòng chống Covid-19 với số tiền gần 723 tỷ đồng.   

Đặt mục tiêu tăng trưởng 12% năm 2022, muốn tiêp tục tăng mạnh vốn điều lệ

Vietcombank cho biết, năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8% so với năm 2021. Tín dụng tăng 12%, nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%,  lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021.  

Mặc dù có kết quả kinh doanh khả quan năm 2021, song để đảm bảo tăng trưởng bền vững dài hạn, lãnh đạo Vietcombank tiếp tục đề xuất NHNN, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tăng vốn, tăng trưởng tín dụng.

“Để đảm bảo vai trò dẫn dắt hệ thống, tiếp tục tham gia cơ cấu lại các tổ chức yếu kém, đề nghị Chính phủ, NHNN có cơ chế đặc thù về hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó, căn cứ vào quản trị rủi ro, đề nghị NHNN cho phép ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động tăng tín dụng”, ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị.

Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng đề nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục tạo điều kiện để Vietcombank tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vietcombank cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng sống còn của các ngân hàng. Vì vậy, các ban, ngành cần rà soát quy định về dữ liệu số, giao dịch trực tuyến để các ngân hàng có điều kiện đẩy nhanh chuyển đổi số.

Tin liên quan
Tin khác