Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã mãn tải từ đầu năm 2015 |
Tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chiều 23/9, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh hạ tầng sân bay tại Việt Nam không đáp ứng được kịp với tốc độ tăng trưởng khai thác của các hãng hàng không.
“Do sự phát triển của vận tải hàng không, đã và đang diễn ra tình trạng quá tải về hạ tầng tại các sân bay lớn trên cả nước. Tân Sơn Nhất, Nội Bài và gần đây nhất là Đà Nẵng đều đang quá tải”, ông Minh.
Theo ước tính của hãng hàng không quốc gia, cũng do hạn chế về hạ tầng mà chi phí của Vietnam Airlines đang bị đội lên khoảng 1% so với tổng chi phí.
Cụ thể, theo ông Minh, các sân bay chính nói trên đều đang đối mặt với tình trạng tắc nghẽn cả trên không và mặt đất. Cùng đó là hạn chế về số lượng vị trí đỗ máy bay dẫn đến hạn chế năng lực tiếp thu; Hạn chế sức chịu tải của đường hạ cất cánh, đường lăn sân đố đối với A350 và B787-9. Cuối cùng, ông Minh cũng đề cập đến những khó khăn xuất phát từ việc hệ thống dự báo khí tượng tại các cảng hàng không còn lạc hậu.
“Giờ bay trung bình ở các chuyến bay đo đếm được cũng như thời gian lăn chờ bị kéo dài so với trước đây đã khiến chi phí của chúng tôi bị lên khoảng 1% so với tổng chi phí. Điều này có nghĩa là với tổng chi phí khoảng 60 nghìn tỷ thì Vietnam Airlines bị đội chi phí khoảng 600 tỷ mỗi năm, một con số không hề nhỏ”, ông Minh phân tích.
Liên quan đến vấn đề thời tiết, lãnh đạo hãng cho biết là thời gian qua, do biến đổi khí hậu bất thường trong khi dự báo khí tượng không theo kịp nên các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Chúng tôi cố gắng hết sức giảm tỷ lệ chuyến bay phải đi sân bay dự bị do thời tiết diễn biến bất thường bằng cách dự báo chuẩn xác nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay phải đi sân bay dự bị có chiều hướng tăng so với năm trước. Tôi không đổ tại ai những rõ ràng đang có vấn đề này”, ông Minh chia sẻ.
Cũng từ đây, ông Minh kiến nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng Cảng hàng không sân bay đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường, trong đó ưu tiên rà soát, đánh giá và đảm bảo khả năng khai thác cho các loại tàu bay từ A321 trở lên.
Cụ thể, theo ông Minh, cần nâng cấp sức chịu tải của đường băng, đường lăn, sân đỗ, trang thiết bị tương thích với tính năng máy bay thế hệ mới, tăng số lượng vị trí đỗ tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh phù hợp với sự phát triển đội bay của các hãng hàng không. Cùng đó, cần sớm đầu tư và triển khai hệ thống phân luồng không lưu hiện đại theo kịp công nghệ quốc tế; Nâng cấp hệ thống dự báo khí tượng theo công nghệ tiên tiến; Đầu tư hệ thống hạ cánh chính xác (ILS); Đảm bảo tiến độ dự án nâng cấp sân bay Cát Bi (Hải Phòng); Bổ sung nguồn lực để nâng cao năng lực tiếp nhận tại sân bay Cam Ranh (Nha Trang) và sớm triển khai kế hoạch nâng cấp sân bay để đáp ứng nhu cầu phát triển…
Liên quan đến vấn đề hạ tầng, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định đây là vấn đề lớn hiện nay của hàng không. Thứ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát lại các vướng mắc trong đầu tư cảng hàng không, sân bay tại các dự án đang triển khai để kịp thời gỡ điểm nghẽn về hạ tầng.
“Với các sân bay chủ chốt, quan trọng, cần tiếp tục rà soát lại hạ tầng để đảm bảo tối đa hoạt động bay, giảm chi phí, tăng hiệu quả cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Liên quan tới vấn đề bán chiến lược, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh xác nhận là thời điểm này đã có nhà đầu tư đến từ Nhật Bản quan tâm gửi thư xác nhận mong muốn đàm phán ký hợp đồng trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty
Cũng theo ông Thanh, Vietnam Airlines đang triển khai thành lập các nhóm đàm phán và xây dựng kế hoạch đàm phán chi tiết với nhà đầu tư chiến lược tiềm năng.
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết tính đến 22/9, Vietnam Airlines thực hiện gần 94 nghìn chuyến bay an toàn, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2014. Tổng lượng khách vận chuyển 9 tháng ước đạt hơn 12.700 nghìn lượt khách, tăng 5,7% so với cùng kỳ, vượt 2,5% kế hoạch 9 tháng. Tổng lượng hàng hoá vận chuyển 9 tháng đạt hơn 150 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 40,1 nghìn tỷ, bằng 75,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 304 tỷ đồng, vượt 69% kế hoạch năm.