Hai giai đoạn
Mặc dù phải đợi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng lộ trình thoái vốn nhà nước xuống 51% vốn điều lệ tại Vietnam Airlines trong vòng 3 năm tới đã định dạng tương đối rõ nét.
Trong văn bản báo cáo kết quả tái cơ cấu Hãng hàng không quốc gia giai đoạn 2013 - 2016 và kế hoạch 2017 - 2020 vừa được Vietnam Airlines gửi các cơ quan chức năng, lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại hãng hàng không này được chia thành 2 giai đoạn.
Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines ngày càng khả quan. Trong ảnh: Vận chuyển hành khách tuyến Hà Nội - Vinh. |
Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2018, Vietnam Airlines sẽ hoàn tất việc tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành thêm 191,191 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu và chuyển nhượng quyền mua 57,9 triệu cổ phần thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt hồi cuối tháng 5/2017.
Trường hợp chào bán thành công toàn bộ cổ phần và lựa chọn được nhà đầu tư mua lại 57,9 triệu cổ phần thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước (dự kiến xong trước quý I/2018), Vietnam Airlines sẽ đạt được mục tiêu kép là tăng vốn điều lệ lên 14.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 16.000 tỷ đồng; đồng thời tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm khoảng 4,1%, xuống mức 82,1% vốn điều lệ.
Trong giai đoạn 2018 - 2019, Vietnam Airlines đặt mục tiêu tiếp tục chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ với tổng khối lượng phát hành khoảng 10 - 20% vốn điều lệ; tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm xuống khoảng 60 - 65% vốn điều lệ. Song song với phương án tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines, cổ đông Nhà nước sẽ tiếp tục bán bớt phần vốn nhà nước còn lại (tương ứng với 10 - 15%) vốn điều lệ.
Nếu thực hiện suôn sẻ, tỷ lệ vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines sẽ chỉ còn khoảng 51%, khớp với Quyết định số 1232/QĐ - TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ngay khi hoàn tất việc tăng vốn giai đoạn I, Tổng công ty sẽ làm thủ tục chuyển sàn cho cổ phiếu Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) để niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào quý II/2018. Việc niêm yết tại HOSE sẽ giúp cải thiện tính thanh khoản cho cổ phiếu HVN, đồng thời nâng cao vị thế, hình ảnh của Vietnam Airlines, tạo bước đà thuận lợi cho các đợt tăng vốn điều lệ và thoái vốn nhà nước trong tương lai.
Lo độ hấp thụ của thị trường
Cho đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines có số vốn điều lệ 12.275,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 1,057 tỷ cổ phần, tương ứng 86% vốn điều lệ. Trong số các cổ đông còn lại, tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản - ANA Holdings Inc nắm giữ 107 triệu cổ phần, tương đương 8,771 % vốn điều lệ. Tính toán sơ bộ cho thấy, để kéo giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ xuống 51%, cổ đông Nhà nước tại Vietnam Airlines sẽ phải bán ra thị trường khoảng 430,434 triệu cổ phần đang nắm giữ.
Nếu tính theo mệnh giá, lượng cổ phần nói trên của Vietnam Airlines có giá trị khoảng 4.304,3 tỷ đồng, nhưng nếu tính theo thị giá (cổ phiếu HVN hiện có giá giao dịch bình quân khoảng 40.000 đồng/cổ phần), cổ đông Nhà nước có thể thu về khoảng 17.000 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines đã được cải thiện nhiều kể từ khi chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (1/4/2015), nhưng sức hấp thụ của thị trường là điều phải tính tới, nhất là khi trong vòng 3 năm tới, Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn sâu tại hàng loạt doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ rất lớn.
Trong lĩnh vực hàng không, ngay trong năm 2018, cổ đông Nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV sẽ thoái 20% vốn điều lệ hiện tại, tương đương 435,4 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Với giá giao dịch bình quân hiện khoảng 90.000 đồng/cổ phần, giá trị vốn hóa số cổ phần Nhà nước sắp thoái tại ACV có thể lên tới 39.186 tỷ đồng.
Hiện phương án tăng vốn điều lệ để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước đang được đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines cân nhắc. Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ tiến hành chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư mới (Nhà nước không tiếp tục đầu tư) hoặc chào bán cho cổ đông hiệu hữu (Nhà nước chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu) hoặc các hình thức phát hành khác phù hợp với quy định hiện hành, diễn biến thị trường.
“Ngoài việc giảm dần tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước, qua đó mở rộng cơ hội tham gia của các nhà đầu tư khác, Vietnam Airlines sẽ cải thiện đáng kể khả năng tự chủ và mức độ an toàn tài chính, giảm dần hệ số nợ/vốn chủ sở hữu”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.