Doanh nghiệp
Vietstar Air khắc khoải chờ ngày cất cánh
Anh Minh - 24/11/2018 08:18
Nộp đơn xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trước Bamboo Airlines hơn 2 năm, nhưng đến thời điểm này, thời hạn cất cánh chuyến bay đầu tiên của Công ty TNHH một thành viên Hàng không Vietstar - Vietstar Air vẫn còn là ẩn số.

Thêm 4 năm đợi chờ

Sau gần 1 năm kể từ lần gửi kiến nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không gần nhất (tháng 12/2017), đầu tuần này, Vietstar Air đã nhận được tín hiệu trả lời từ Chính phủ. Điều đáng tiếc là, đây không phải là tín hiệu thuận mà nhà đầu tư này mong đợi.

.

Cụ thể, tại Công văn số 11253/VPCP - CN, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xem xét kiến nghị của Vietstar Air; giải quyết theo đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 495/TTg- CN ngày 7/4/2017, số 309/TB - VPCP ngày 18/7/2017.

Được biết, tại Công văn số 309/TB - VPCP, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.

Trước đó, tại Văn bản số 494/TTg - CN, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án Vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chiểu theo 2 văn bản chỉ đạo trên, việc xem xét cấp dự án đầu tư và giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air - hai văn bản pháp lý quan trọng nhất để một nhà đầu tư xác lập vị thế là hãng hàng không thương mại - chỉ được Bộ GTVT thực hiện sau khi việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cơ bản hoàn thành.

Cần phải nói thêm, theo thông tin mới nhất từ Bộ GTVT, trong trường hợp thuận lợi nhất là Chính phủ chấp thuận giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, thay vì phải áp dụng lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, công trình Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu hành khách/năm cùng hệ thống sân đỗ chỉ có thể hoàn thành vào năm 2022. Điều này đồng nghĩa với việc Vietstar Air sẽ phải chờ đợi thêm ít nhất 4 năm nữa để được xem xét cấp giấy phép bay.

Không tắt khát vọng bay

Được biết, kết quả thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không của Vietstar Air do Cục Hàng không Việt Nam thực hiện đầu năm 2017 cho thấy, Vietstar Air đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm những điều kiện tối cần thiết như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách.

Cơ quan quản lý nhà nước về hàng không cũng cho biết, Vietstar Air có thị trường mục tiêu là trục nội địa Bắc Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á trên vai trò là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Vietstar Air xây dựng phương án đảm bảo có tàu bay khai thác đáp ứng các yêu cầu của Nghị định số 92.  Giai đoạn năm 2017, Vietstar Air sẽ thuê 5 tàu bay A320/321 hoặc tàu bay B737 đưa vào khai thác ngay sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và đệ trình Cục Hàng không Việt Nam Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC) đối với tàu bay A320/321 và B737. Đội tàu bay của Vietstar Air sẽ được đỗ qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 5 tàu bay. 

Giai đoạn 2018 - 2021, Vietstar Air có kế hoạch thuê khô tàu bay với các đối tác như Gecas, ILFC và AWAS ngay sau khi được cấp AOC. Trong giai đoạn này, Công ty Vietstar Air sẽ khai thác 10 tàu bay chở khách chủng loại A320/321 hoặc B737 với 5 tàu bay đậu qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và 5 tàu bay đậu qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, số lượng, chủng loại và tuổi tàu bay dự kiến khai thác phù hợp với quy mô, phạm vi khai thác (vốn 300 tỷ đồng, quy mô đến 10 tàu bay và khai thác nội địa), loại hình hoạt động vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa, hành lý, bưu kiện và nhu cầu thị trường. 

“Các công tác chuẩn bị và hồ sơ thể hiện phương án đảm bảo có tàu bay khai thác và nguồn vốn đảm bảo thuê tàu bay trong vòng 5 năm đầu hoạt động của Vietstar Air có tính khả thi”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Điểm lớn nhất khiến hồ sơ của Vietstar Air bị “delay” là nhà đầu tư này chọn Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là sân bay căn cứ. Cụ thể, lý do duy nhất gây quan ngại là tình hình thiếu sân đỗ tàu bay tại Tân Sơn Nhất, nơi Vietstar Air dự kiến đỗ đêm 5 tàu trong tổng số 10 máy bay theo kế hoạch đầu tư kinh doanh đến năm 2020.

Trong kiến nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào tháng 12/2017, ông Phạm Trịnh Phương, Tổng giám đốc Vietstar Air cho biết, ngoài phương án sử dụng các hangar (nhà chứa máy bay) bảo dưỡng máy bay của Công ty cổ phần Kỹ thuật máy bay Ngôi sao Việt (cùng tập đoàn với Vietstar Air) cho 5 máy bay đỗ đêm tại sân bay Tân Sơn Nhất, đến nay, đã có thêm cơ hội mới thuận lợi hơn cho Vietstar, khi sân đỗ máy bay 19,7 ha tại Tân Sơn Nhất đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Bộ GTVT.

“Kể từ quý I/2018, số vị trí đỗ tàu bay tại Tân Sơn Nhất đã được tăng thêm khoảng 30 vị trí, về cơ bản đáp ứng đủ sân đỗ máy bay cho nhu cầu tăng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”, lãnh đạo Vietstar Air cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Vietstar Air khẳng định, dù gặp khó khăn khi xin giấy phép, nhưng nhà đầu tư này vẫn chưa nguội khát vọng bay. “Chúng tôi duy trì quan điểm lấy Tân Sơn Nhất là sân bay căn cứ, dù nhận khá nhiều lời khuyên chuyển về một sân bay nhỏ lẻ nào đó để dễ xin giấy phép như cách làm của Bamboo Airways”, một lãnh đạo Vietstar Air cho biết.

Tin liên quan
Tin khác