Doanh nghiệp
Viettel thử nghiệm chiến lược đầu tư mới tại Myanmar?
Hữu Tuấn - 15/04/2016 08:59
Với đặc thù của thị trường viễn thông Myanmar, Viettel khó có thể vận dụng những chiến lược phát triển thành công trước đây của mình ở các thị trường nước ngoài.

“Mai phục” thị trường viễn thông Myanmar

Suốt chục năm theo đuổi đầu tư vào viễn thông Myanmar, nhưng Viettel vẫn bị tuột khỏi tay tấm vé đầu tư vào năm 2013 khi bỏ thầu quốc tế cùng với 11 nhà thầu khác trên thế giới. Ooredoo (Qatar) và Telenor (Na Uy) đã chiến thắng trong cuộc đua gay cấn.

Dù thua thầu, nhưng Viettel vẫn không bỏ cuộc. Nhà mạng này tính chuyện “đi tắt” bằng cách đề nghị góp 800 triệu USD vào hãng viễn thông quốc doanh Yatanarpon Teleport (YTP), hãng viễn thông thứ 4 được cấp phép ở Myanmar để lập liên doanh 1,8 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã liên doanh thành công với YTP.

.

Mới mở cửa đã khốc liệt

Hiện tại, thị trường viễn thông Myanmar đã khác xa thời điểm 5 năm trước. Các đối thủ tương lai của Viettel đã nhanh chóng “chia bài” giành thị phần tại đất nước này.

Số liệu của Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Myanmar (MCIT) cho thấy, tỷ lệ sử dụng diện thoại di động của quốc gia này đã tăng vọt từ 9,5% lên 77,7% trong vòng 2 năm khi các công ty nước ngoài xâm nhập thị trường. Thị trường viễn thông Myanmar hiện có gần 36 triệu thuê bao. Trong đó, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Myanmar (MPT) hợp tác cùng KDDI Corp và Sumitomo Corp (Nhật Bản) sở hữu 18 triệu thuê bao, Telenor có 12 triệu thuê bao, còn Ooredoo nắm giữ 5,8 triệu thuê bao.

Tháng 7/2015, đối thủ nặng ký nhất của Viettel là MPT đã tuyên bố hợp tác với 2 nhà mạng lớn của Nhật là KDDI và Sumitomo. Theo đó, các nhà mạng Nhật Bản này đã cam kết đầu tư 2 tỷ USD để mở rộng kinh doanh tại Myanmar. Từ khi có 2 đối tác Nhật, MPT đã “lột xác” bằng việc tung ra các chiến dịch marketing, xây dựng logo hiện đại và giảm phí dịch vụ gần 40%. Những cải tiến này giúp MPT tăng gấp đôi lượng khách hàng, lên 11 triệu thuê bao chỉ trong vòng 6 tháng và hiện sở hữu 18 triệu thuê bao.

Trong khi đó, Ooredoo và Telenor sau 2 năm ồ ạt đổ vốn và tích cực hoạt động ở Myanmar, song vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai mạng lưới, các thủ tục hành chính. Cuối năm ngoái, dù ghi nhận doanh thu 189 triệu USD ở Myanmar, nhưng Ooredoo vẫn chưa có lãi.

Việc một nhà mạng độc quyền lâu năm, lạc hậu như MPT đang áp đảo 2 nhà mạng hiện đại nước ngoài sẽ là một thách thức lớn đối với “tân binh” Viettel. Rất có thể, Viettel sẽ phải đối mặt với những vấn đề mà Ooredoo và Telenor đang gặp phải.

Viettel có đổi chiến lược?

Chiến lược đầu tư của Viettel ở 10 thị trường mà nhà mạng này đang kinh doanh là đầu tư lớn triển khai hạ tầng (trạm BTS và cáp quang) để đảm bảo vùng phủ lớn nhất và kinh doanh theo chiến lược giá rẻ để thu hút khách hàng.

Nếu không có gì trở ngại, tại các thị trường mà Viettel đã tham gia, nhà mạng này thường hoàn thành lắp đặt hạ tầng mạng lưới trong 1 - 2 năm. Nhưng tại Myanmar, tình hình chắc sẽ khác. Ooredoo và Telenor đang gặp khó khăn trong việc lắp trạm BTS, bởi đất ở Myanmar đều thuộc sở hữu nhà nước và quyền sở hữu cũng rất phức tạp, kèm theo các thủ tục hành chính khá mất thời gian.

Một chiến lược khác của Viettel tại các thị trường nước ngoài là đầu tư hạ tầng riêng của mình ở quốc gia đó hoặc có thể mua lại hạ tầng của doanh nghiệp khác và đầu tư thêm để làm chủ về hạ tầng mạng lưới, chứ không liên doanh, liên kết với nhà mạng khác để khai thác dịch vụ. Nhưng ở liên doanh này, Viettel chỉ chiếm 49%, nghĩa là không nắm quyền chi phối, nên rất khó áp dụng các chiến thuật sở trường của mình để chủ động sản xuất - kinh doanh. Vậy liệu Viettel có thay đổi chiến lược và thay đổi như thế nào?

Ngoài ra, Viettel chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều thách thức khác từ thị trường Myanmar, như vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi kéo dài, thị trường phát triển quá nhanh, phần lớn thị phần đã rơi vào tay các nhà mạng khác…

Như vậy, rất có thể, “chiến trường” mới Myanmar sẽ là nơi để Viettel thử nghiệm một chiến lược đầu tư mới.

Tin liên quan
Tin khác