Từ Hoàn Mỹ đến Tâm Trí
Y khoa Tâm Trí hiện sở hữu chuỗi 4 bệnh viện tư nhân tại Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và Đồng Tháp, với trên 500 giường bệnh và hơn 700 nhân viên y tế. Công ty có mức tăng trưởng trên 30%/năm, đang được xem là một lựa chọn tốt ngoài hệ thống y tế công và có thể thay thế cho việc khám chữa bệnh ở nước ngoài.
. |
Theo thống kê, hàng năm, người Việt chi trên 2 tỷ USD cho việc khám chữa bệnh ở nước ngoài, đây chính là cơ hội lớn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao trong nước và cũng là cơ hội cho quỹ đầu tư đa ngành VinaCapital. Đây là lần thứ 2, Quỹ VOF (Vietnam Opportunity Fund) của VinaCapital hợp tác đầu tư với bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc và là cổ đông sáng lập Y khoa Tâm Trí.
Năm 2009, VOF đầu tư 30 triệu USD vào Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cũng do bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng thành lập và 2 bên cùng thoái vốn cho Tập đoàn Fortis Healthcare vào năm 2013, với giá 100 triệu USD để sở hữu 65% cổ phần. Một thời gian sau, Fortis Healthcare bán cho Richard Chandler với giá 120 triệu USD. Hiện giới đầu tư đồn đoán, Hoàn Mỹ được định giá khoảng 300 triệu USD.
Sau khi bán Hoàn Mỹ, ông Tùng thiết lập chuỗi bệnh viện mới mang tên Tâm Trí ở TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Tháp.
Lần này, với 25 triệu USD, VOF trở thành cổ đông thiểu số lớn tại Y khoa Tâm Trí. Số vốn này sẽ được bệnh viện dùng để mua thêm trang thiết bị hiện đại, mở rộng các cơ sở hiện có, tăng công suất và chất lượng khám chữa bệnh...
Y khoa Tâm Trí đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng hệ thống bệnh viện trên phạm vi cả nước, chú trọng vào các thành phố lớn như TP.HCM, miền Trung và khu vực phía Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tháng 7/2018, cổ đông lớn nhất của Y khoa Tâm Trí là Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn quản lý Á Châu khi nắm gần 71 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 99,99%. Sau khi thoái vốn còn 8% vào thời điểm ngày 5/7/2018, hiện cổ đông lớn này không còn nắm giữ cổ phần Y khoa Tâm Trí.
Tìm ngọc trong đá
VinaCapital “nhắm” Y khoa Tâm Trí trong bối cảnh bệnh viện tư nhân ở Việt Nam chỉ 30% có khả năng tồn tại, 70% “chết”. Đó là chưa kể nhiều bệnh viện chết lâm sàng không công khai.
Nguyên nhân do phải chịu sự cạnh tranh gay gắt giữa bệnh viện tư nhân và công lập. Bệnh viện tư thất bại không phải do thiếu vốn, không phải do giá thành dịch vụ chữa bệnh cao, mà về nguồn nhân lực. Bệnh viện tư thường chỉ tuyển dụng được bác sỹ trình độ thông thường, nên không tạo được uy tín trong cộng đồng.
Phần lớn doanh nghiệp đầu tư y tế tư nhân tại Việt Nam rơi vào vòng xoáy thua lỗ và nợ nần sau vài năm hoạt động. Thậm chí, một số bệnh viện phải tuyên bố ngừng hoạt động hoặc sang tay cho chủ mới.
Điển hình là Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phúc An Khang tuyên bố phá sản vào cuối tháng 4/2017. Đây là mô hình bệnh viện đầu tiên được chuyển đổi công năng từ chung cư cao cấp, có quy mô 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau hơn 2 năm hoạt động kém hiệu quả và khả năng tài chính không đảm bảo, đơn vị này đã gửi công văn đến Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm cấp cứu 115… để thông báo về việc ngừng hoạt động. Tại thời điểm đó, bệnh viện ghi nhận lỗ lũy kế trên 60 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi vay ban đầu.
Giám đốc bệnh viện này cho biết, doanh thu mỗi tháng của bệnh viện chỉ khoảng 3 tỷ đồng. Khoản tiền này chỉ đủ xoay xở trả lương nhân viên, còn chi phí mua thuốc và khấu hao thiết bị thì phải bỏ vốn ra trước mới nhập hàng được. Áp lực từ khoản lãi vay ban đầu để xây dựng hạ tầng là nguyên nhân chính khiến bệnh viện đóng cửa.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (quận Tân Phú) đã âm thầm rút khỏi ngành sau hàng loạt bê bối nợ nần, khiếu kiện.
Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh (quận Gò Vấp) cũng đang hoạt động cầm cự và mời gọi liên doanh, liên kết để vực dậy tình hình kinh doanh ảm đạm sau khi chủ đầu tư bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bệnh viện này từng được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá ở phân khúc dịch vụ y tế cao cấp với mô hình như khách sạn 5 sao, đầu tư bài bản và chế độ lương thưởng hấp dẫn để thu hút nhiều bác sĩ tay nghề cao.
Y khoa Tâm Trí, Bệnh viện tim Tâm Đức… là những tên tuổi đang nằm ngoài vòng xoáy thua lỗ, nợ nần nhờ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, bộ máy tổ chức tinh gọn và nguồn vốn đầu tư lớn. Song, theo ông Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc và là cổ đông sáng lập Y khoa Tâm Trí, người nước ngoài không mua bệnh viện của Việt Nam nữa vì không còn phát triển như những năm 2000.
Tuy nhiên, Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo cho thấy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hoá y tế.
Có lẽ, đây là lý do Vina Capital vẫn quyết tâm rót vốn vào lĩnh vực “khó nhằn” này.