Phát biểu ngay tại lễ khai trương, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, trong bối cảnh khó khăn, nhưng Vinamilk vẫn đưa được nhà máy có công suất lớn với công nghệ hiện đại và thông minh nhất thế giới vào hoạt động là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hiện thực hóa Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2025.
| ||
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm hệ thống kho thông minh đầu tiên |
Công nghệ hiện đại nhất thế giới
Nhà máy Sữa Việt Nam được xây dựngng trên diện tích 20 ha tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (tỉnh Bình Dương), với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, có công suất siêu lớn, hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn I và sẽ tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn II.
Đặc biệt, nhà máy này sở hữu hai cái nhất. Đầu tiên là công nghệ tích hợp hiện đại nhất thế giới của Tetra Park.
Đây là tập đoàn hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Thụy Điển, chuyên cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói động tại 170 quốc gia và có hệ thống 50 nhà máy sản xuất bao bì và thiết bị.
Chính trong phần chia sẻ của mình tại buổi lễ khánh thành nhà máy, ông Bert Jan Post, Giám đốc điều hành Công ty Tetra Pak Việt Nam không dấu vẻ tự hào: “Hôm nay, chúng ta chứng kiến sự ra đời của Nhà máy Sữa Việt Nam - nhà máy sữa tiên tiến nhất thế giới về công nghệ tự động và tích hợp mà Tập đoàn Tetra Pak từng xây dựng trên thế giới.
Tất cả các quy trình trong nhà máy đều được tự động hoá 100% từ khâu nhập liệu tới kho thành phẩm. Hệ thống robot LGV hoàn toàn tự động, được điều khiển bởi hệ thống máy tính trung tâm sẽ chịu trách nhiệm chuyển cuộn giấy tiệt trùng vào máy rót và tự động chuyển hàng thành phẩm vào kho thông minh. Nhờ đó, nhà máy kiểm soát được chất lượng và hiệu quả sản xuất đạt ở mức cao nhất …”.
Toàn bộ các công đoạn từ thiết kế, xây dựng nhà xưởng đến lắp đặt máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đều theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam về an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Nhà máy sữa nước Việt Nam hoạt động trên một dây chuyền tự động khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm.
Quy trình sản xuất tại nhà máy khép kín ngay từ các khâu đầu tiên, khi hàng chục xe bồn lạnh chuyên dụng chở sữa tươi nguyên liệu tới cung cấp cho nhà máy. Trạm tiếp nhận sữa tươi nguyên liệu của nhà máy sữa Việt Nam có khả năng tiếp nhận 80 tấn sữa tươi mỗi giờ. Sữa tươi sau khi chảy qua thiết bị đo lường, lọc tự động sẽ nhập vào hệ thống bồn lạnh. Sữa tươi nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sẽ chứa trong 3 bồn lạnh, mỗi bồn có dung tích tới 150 m3, đây là hệ thống bồn có sức chứa lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất ly tâm tách khuẩn hiện đại, giúp loại bỏ 99,9% vi khuẩn trong sữa tươi nguyên liệu, đây là công nghệ mới duy nhất tại Việt Nam được Vinamilk sử dụng. Công nghệ UHT tiệt trùng ở nhiệt độ 140 độ C trong khoảng thời gian cực ngắn 4 giây ở giai đoạn sau đó giúp tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn có hại còn lại trong sữa, giúp đảm bảo chất lượng sữa mà không cần sử dụng chất bảo quản.
Hoạt động của nhà máy được vận hành dựa trên giải pháp tự động hóa Tetra Plant Master cho phép kết nối và tích hợp toàn bộ nhà máy từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm. Nhờ đó, Vinamilk có thể điều khiển mọi hoạt động diễn ra trong nhà máy, theo dõi và kiểm soát chất lượng một cách liên tục.
Hệ thống Tetra Plant Master cũng cung cấp tất cả các dữ liệu cần thiết giúp nhà máy có thể liên tục nâng cao hoạt động sản xuất và bảo trì. Theo đó, tất cả hệ thống thiết bị, máy móc, đặc biệt là các robot LGV, đều vận hành tự động, được điều khiển bởi hệ thống máy tính trung tâm. Hệ thống robot LGV có thể tự thay pin tại các máy sạc pin tự động, mà không cần sự can thiệp của con người.
Thứ hai là hệ thống kho thông minh. Nhà máy còn có hệ thống kho thông minh đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, kho có diện tích 6 ha và 20 ngõ xuất nhập, có chiều dài 105 m, cao 35 m, gồm 17 tầng giá đỡ, với sức chứa là 27.168 lô chứa hàng.
Ông David Goss, Giám đốc dự án Công ty Schafer của Đức (nhà cung cấp hệ thống kho thông minh) cho biết, điểm nổi bật nhất của kho thông minh là việc sắp xếp hàng trong kho hoàn toàn tự động và do rô-bốt đảm nhiệm. Đây là thế hệ rô-bốt tiên tiến nhất thế giới, nhẹ, nhanh hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn. “Vinamilk là một trong những khách hàng đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ này. Điểm nổi bật thứ 2 là dàn 15 xe tự vận hành trên hệ thống ray dài 370 m. Đây cũng là mẫu xe tự vận hành đầu tiên có thể vận chuyển được 2 khay hàng cùng lúc. Chúng tôi rất tự hào về dự án này”, ông David Goss nói.
“Đại gia” công nghiệp sữa thế giới
Cùng chia vui với các nhà thầu, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, nhà máy ra đời sẽ giúp người tiêu dùng trong nước được sử dụng những sản phẩm sữa tốt nhất, xuất khẩu những sản phẩm sữa chất lượng cao của Việt Nam ra nước ngoài và tăng tốc đưa Vinamilk trở thành 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017. Ngoài ra, nhà máy này còn giúp Vinamilk hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bình quân 10% về lượng và 15% về doanh thu hàng năm.
Một trong những quan ngại lớn nhất với các siêu nhà máy là nguồn nguyên liệu được cung cấp ra sao? Trả lời câu hỏi này, bà Mai Kiều Liên cho biết, mục tiêu của Vinamilk là nâng dần sử dụng nguyên liệu nội địa từ 30% hiện nay lên 40%. Để thực hiện mục tiêu này và để đáp ứng nhu cầu sản xuất cho một sản lượng thành phẩm sữa nước lên đến hàng trăm triệu lít mỗi năm, cùng với hàng trăm chủng loại chế phẩm sữa khác, Vinamilk đã đầu tư một cách bài bản vào hệ thống phát triển nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế từ khâu trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, chế biến thức ăn cho bò đến quản lý thú y, môi trường xung quanh…
Đến nay, Vinamilk đã có 5 trang trại quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia. Ngoài đầu tư phát triển 5 trang trại với khoảng 8.000 con bò sữa cho 90 tấn sữa/ngày, Vinamilk còn liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa, với hơn 65.000 con bò trên cả nước, thu mua sản lượng 460 tấn sữa/ngày.
Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm 3 trang trại mới hiện đại tại Hà Tĩnh (3.000 con bò), Tây Ninh (10.000 con bò) và Thanh Hóa (20.000 con bò). Vinamilk duy trì đồng thời cả hai nguồn cung cấp sữa bò tươi nguyên liệu trên, nhằm đáp ứng nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chất lượng cao và tạo nhiều công ăn việc làm cho nông dân, góp phần xây dựng một ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam phát triển theo hướng ổn định và bền vững.
“Hiện nay, sữa tươi trong nước còn thiếu rất lớn, trên thực tế, diện tích đất dành cho chăn nuôi của nước ta không nhiều, nhưng vừa rồi Chính phủ đã có một chủ trương mà chúng tôi cho rằng rất thiết thực, đó là trong bối cảnh lúa gạo dư thừa xuất khẩu đạt ngưỡng, cho phép một số địa phương lấy một phần đất trồng lúa được chuyển đổi thành trồng bắp, ngô phục vụ chăn nuôi. Chúng tôi hy vọng, sẽ có nhiều quỹ đất để xây dựng trang trại”, bà Mai Kiều Liên nói.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu sữa tươi ngày càng tăng của thị trường, đặc biệt là phân khúc khách hàng cao cấp để đảm bảo cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, Vinamilk đã đầu tư một nhà máy sữa nước tại New Zealand, dự kiến khoảng tháng 9/2014 sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy này sẽ sản xuất và chuyển sản phẩm về Việt Nam dưới thương hiệu Vinamilk.
Ngoài ra, Vinamilk còn đầu tư tại Mỹ, châu Âu - những “trung tâm hàng đầu” về chăn nuôi bò sữa. “Định hướng của chúng tôi là sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa, nếu còn thiếu sẽ đầu tư nhà máy tại chính những quốc gia có thế mạnh về chăn nuôi, nguồn nguyên liệu bò sữa phong phú để sản xuất tại đó”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ.
Có thể nói, việc ra đời nhà máy sữa Việt Nam hiện đại bậc nhất thế giới đã nâng cao vị thế của ngành công nghiệp sữa Việt Nam, đồng thời ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp sữa thế giới đã có bề dày lịch sử cả trăm năm.
Đây cũng là niềm tự hào của người Việt Nam, khi đã xây dựng được những nhà máy hiện đại xứng tầm thế giới, để từ đây, sản phẩm sữa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn tiếp tục hiện diện tại nhiều nước trên thế giới, mang thương hiệu Vinamilk - niềm tự hào của thương hiệu Việt đã hơn 37 năm gắn bó với người tiêu dùng Việt Nam.
Bảo giang