Trong 5 năm qua, Vinaseed đã nghiên cứu và chuyển giao thành công hơn 30 giống mới các loại |
Tăng tốc
Nông nghiệp Việt Nam đứng trước những thách thức lớn trong cuộc tái cấu trúc. Đặc biệt, ngành này đang thiếu những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và khả năng đầu tư bài bản. Tuy nhiên, tình hình đang dần cải thiện, từ chỗ không ai nhắc đến đầu tư vào nông nghiệp, thì nay, không ít nhà đầu tư đã chú ý và thậm chí còn đặt trọng tâm vào ngành này.
Với những thế mạnh về vốn, quản trị hiệu quả, các đại gia trong ngành đang hóa giải những hạn chế và tận dụng thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Các công ty này cũng chờ cú hích để mở rộng quy mô, giành giật thị phần. Trong đó, Vinaseed là minh chứng điển hình kể từ khi được cổ phần hóa vào năm 2004 và có sự đầu tư trực tiếp của The PAN Group (PAN) với quyền sở hữu lên tới 61,4%.
Tiền thân của Vinaseed là Công ty Giống cây trồng cấp 1 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thành lập năm 1968 và được cổ phần hóa vào năm 2004. Khép lại 10 năm cổ phần hóa thành công, Vinaseed đang thực hiện chiến lược kinh doanh giai đoạn 2014 - 2016 với mục tiêu trở thành công ty có quy mô, thị phần và thương hiệu hàng đầu của ngành giống cây trồng Việt Nam.
Bản thân Vinaseed trong 2 năm qua cũng ghi dấu ấn trong hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), với tổng vốn đầu tư lên tới 379 tỷ đồng. Cụ thể, Vinaseed đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam (QSC) từ 60,24% lên 85,8%, QSC trở thành công ty con của Vinaseed; trở thành cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình (TSC); nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) lên 61,4%. Hiện Vinaseed có 15 đơn vị thành viên, trong đó có 2 công ty con, 1 công ty liên kết.
Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của Công ty cũng có bước đột phá bằng việc thương mại hóa thành công giống lúa Thiên ưu 8. Giống lúa này được các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là tốt nhất thị trường hiện nay theo xu hướng giống phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu. Thế mạnh của Vinaseed nằm ở các sản phẩm giống cây trồng nhiệt đới. Hiện Vinaseed và công ty con đang trở thành đơn vị cung cấp chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam và đang muốn mở rộng chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaseed cho biết, gạo Việt Nam không có thương hiệu, giá bán rẻ, khiến đời sống người dân không được cải thiện, trong khi họ có thể làm được nhiều việc trên mảnh đất của mình. Đó là thách thức lớn nhất của Vinaseed và của ngành nông nghiệp nói chung.
Sau khi có sự tham gia của PAN, ngoài việc cho ra thị trường những sản phẩm thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, Vinaseed đã mở thêm ngành hàng mới theo chuỗi giá trị, ra mắt sản phẩm gạo Ban Mai. Vinaseed còn cam kết không chia tách chuỗi giá trị, từ nghiên cứu sản phẩm, sản xuất, đến bàn ăn.
“Chúng tôi sở hữu năng lực nghiên cứu để duy trì nguồn gene quý, khả năng tổ chức sản xuất theo quy trình an toàn để truy xuất nguồn gốc, duy trì thế mạnh sản phẩm. PAN cũng đang khai thác thế mạnh đó từ Vinaseed. Hai bên chia sẻ lợi ích, phát triển hai thương hiệu, không giẫm lên chân nhau”, bà Liên cho biết.
Vinaseed đặt mục tiêu chiếm khoảng 18% thị phần của ngành, trong đó, chi phối thị trường miền Bắc, Bắc Trung Bộ; mở rộng thị trường miền Nam, miền Trung Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu hạt giống ngô sang các nước trong khu vực, như Lào, Campuchia; xuất khẩu giống rau nhiệt đới sang thị trường phía Nam Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam.
Quả ngon khó nhằn
Dù có nhiều lợi thế, nhưng nếu không chuyển mình, Vinaseed sẽ mất các thị trường tiêu thụ sẵn có hoặc không xâm nhập được vào thị trường mục tiêu do sự tác động của các yếu tố bên ngoài, do sản phẩm, chính sách của Công ty chưa đủ cạnh tranh.
Giới phân tích cho rằng, dù là đầu vào quan trọng cho ngành nông nghiệp trong nước, song lĩnh vực giống cây trồng ở nước ta chỉ mới phát triển trong vòng 20 năm trở lại đây, khi người nông dân có xu hướng chuyển sang lựa chọn mua các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng và tính chống chịu tốt, thay vì việc giữ giống của mùa vụ trước để tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, ngành giống cây trồng của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, thị trường khá phân tán và manh mún, với hơn 260 doanh nghiệp hoạt động trên cả nước, trong đó chỉ 5 tên tuổi lớn (Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ, Công ty TNHH một thành viên SD Giống cây trồng An Giang) trực tiếp đầu tư nghiên cứu và cung ứng giống, chi phối khoảng 30% thị phần giống cây trồng của cả nước.
Các doanh nghiệp còn lại chủ yếu là các công ty thương mại, nhập khẩu giống đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của từng địa phương. Điều này dẫn tới tình trạng giống trong nước phải cạnh tranh với giống nhập khẩu, mỗi địa phương lại có một bộ giống riêng, chưa có giống chủ lực của từng vùng, khiến chất lượng nông sản không đồng đều, khó cạnh tranh, giá bán thấp… Đặc biệt, năng lực cạnh tranh còn hạn chế trong phân khúc cao cấp như nghiên cứu sản xuất hạt lai F1, sản phẩm biến đổi gene, trong khi phải chịu áp lực cạnh tranh đến từ các tập đoàn đa quốc gia như Mosanto, CP Group, Sygenta..
Theo bà Liên, thách thức lớn nhất của Vinaseed và PAN là quy mô diện tích quá nhỏ lẻ, phân tán, bà con nông dân tham gia chuỗi này chưa chuyên nghiệp. Trung bình một hộ dân có 5 - 7 mảnh đất khác nhau, tổng khoảng cách từ nơi ở đến ruộng của các hộ dân là gần 5 km (Báo cáo điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn 2010).
Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp Việt Nam đang dần mất đi do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Dự báo đến năm 2015, Việt Nam có tổng cộng 870 đô thị, đến năm 2025 có khoảng 1.000 đô thị, với nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị tương ứng là 335.000 ha và 400.000 ha. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và ngành giống cây trồng nói riêng.
Nhà đầu tư khôn ngoan
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT The PAN Group và Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, làm cái gì cũng khó, nhưng giờ làm nông nghiệp dễ hơn nhiều so với làm chứng khoán 15 năm trước. Thời điểm đó, người dân Việt Nam không biết chứng khoán là cái gì. Hiện nay, mỗi tên tuổi trong lĩnh vực nông nghiệp làm một mảng khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, nhưng họ đều có sứ mệnh là làm cho ngành nông nghiệp tốt lên.
Chẳng hạn, Vingroup chọn cách tiếp cận nền nông nghiệp từ công nghệ cao áp xuống, đầu tư mạnh về vốn, rồi để người nông dân nhận thức dần dần. Trong khi đó, PAN chọn cách tiếp cận cùng người nông dân.
“Ông Hưng có tư duy làm nông nghiệp theo tư duy của nhà đầu tư tài chính khôn ngoan. Ông ấy không đi cấy, không đi làm gạo như mọi người, nhưng ông mua những công ty mạnh về những sản phẩm đó, mua được thị trường, cơ sở vật chất, sở hữu trí tuệ”, bà Liên cho biết và khẳng định, đó là cách đi bền vững hơn nhiều, thay vì đầu tư từ đầu trong tất cả các khâu.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, cách đầu tư vào nông nghiệp hiện nay của Vingroup, TH true Milk, HAGL ở mảng rau sạch, sữa, chăn nuôi bò rất mạnh và đang thể hiện hiệu quả tốt, nhưng để phủ rộng, nhanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì chưa chắc.
“Nhà đầu tư khôn ngoan hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là người biết dựng cờ để những người khác đứng xung quanh mình. Mỗi người một mảng, một cách tiếp cận để kết quả cuối cùng là nhà đầu tư được, nông dân được, nhà nghiên cứu được, người xây dựng thương hiệu được”, ông Hưng cho biết.