Vinasun muốn mua xe điện làm taxi
Vinasun đang nghiên cứu tiếp cận và dự kiến đưa xe điện vào kinh doanh taxi trong năm 2023. Thông tin được ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) công bố tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Vinasun.
Vinasun dự kiến đầu tư khoảng 700 chiếc xe mới trong năm 2023. Ảnh minh họa |
Đến ngày 31/12/2022, Vinasun đang sở hữu 2.620 xe ô tô. Vinasun dự kiến đầu tư khoảng 700 chiếc xe mới trong năm 2023.
Quan điểm của Vinasun, taxi điện chỉ là một phương tiện chứ không phải mô hình kinh doanh mới. Với một doanh nghiệp vận tải taxi, cần phải đánh giá tính khả thi ở mọi phương diện trước khi đưa một phương tiện vào kinh doanh. Với xe điện, Vinasun phải tính toán đến chi phí pin. Điều thứ hai là chi phí thời gian, chi phí cơ hội đối với một chiếc xe khi vận hành, cụ thể là thời gian chờ đợi sạc điện để lưu hành và tính sẵn sàng sạc điện. Khi cung và cầu của các trạm sạc thay đổi trong tương lai, xe điện gia tăng, vị trí và tính phổ biến của các trạm sạc cực kỳ quan trọng.
Ông Minh cho biết Vinasun đang nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội để triển khai.
Năm 2023, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.345 tỷ đồng, tăng trưởng 23,5% so với thực hiện năm 2022. Lãi sau thuế đạt 209 tỷ đồng, tăng trưởng gần 13%. Trong 3 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Vinasun đã đạt 53 tỷ đồng, hoàn thành 25% kế hoạch cả năm.
Sau khi taxi điện của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lăn bánh, nhiều hãng taxi cũng bắt đầu bổ sung xe ô tô điện vào đội xe. Cuối tháng 4, Én Vàng taxi của Hải Phòng đã ra mắt đoàn xe taxi điện với màu vàng đặc trưng.
Trước đó, Lado taxi ở Lâm Đồng cũng vừa bổ sung thêm ô tô điện vào đội xe, theo hình thức mua và thuê.
Doanh thu của EVN tăng hơn 8.000 tỷ đồng nhờ tăng giá điện
Việc tăng giá điện từ 4/5/2023 sẽ giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng thu hơn 8.000 tỷ đồng, qua đó giúp Tập đoàn bớt khó khăn. Mức tăng 3% cũng không tác động nhiều tới CPI.
Ngay sau khi Bộ Công thương ban hành quyết định tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt, dao động từ 1.728 - 3.015 đồng/ kWh tuỳ bậc thang, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4/5/2023.
Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, với mức tăng 3%, mức tăng sẽ tác động rất nhỏ, chỉ khoảng 0,17%.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, mức tăng giá này phần nào giảm bớt khó khăn tài chính của EVN. Việc tăng giá điện sẽ giúp doanh thu Tập đoàn tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu một phần khó khăn tài chính mà EVN đang gặp phải.
Ông Nam cho biết thêm, tăng giá điện chỉ là một trong các giải pháp giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN và Tập đoàn cũng đã có các giải pháp nội tại như: tiết giảm chi phí; tiết kiệm điện và huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ...
EVN cũng sẽ làm việc với các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than… chia sẻ khó khăn, có thể giảm giá bán đầu vào để giảm thiểu chi phí.
Năm 2022, EVN đã lỗ hơn 26.000 tỷ đồng do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất tăng vọt. Tập đoàn đang đối diện nhiều khó khăn trước mặt trong việc đảm bảo cân đối đủ điện.
ACV hưởng lợi nhờ ngành hàng không khởi sắc
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh ngành hàng không hồi phục trở lại.
ACV ghi nhận kết quả khởi sắc đến từ việc thị trường hàng không phục hồi. Ảnh minh họa |
Quý 1/2023, ACV đạt doanh thu thuần 4,7 ngàn tỷ đồng và lãi gộp 2,9 ngàn tỷ đồng, tăng tương ứng 124% và 349%. Theo ACV, kết quả khởi sắc đến từ việc thị trường hàng không phục hồi. Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh còn đến từ việc so sánh với mức nền thấp cùng kỳ.
Ngoài ra, ACV còn ghi nhận khoản lãi 52 tỷ đồng từ các công ty liên kết, tăng mạnh so với cùng kỳ. Điều này do các doanh nghiệp liên kết - phần lớn nằm trong ngành hàng không - cũng hưởng lợi từ sự hồi phục chung.
Tuy vậy, quý 1/2023, ACV ghi nhận sự suy giảm của mảng tài chính. Doanh thu tài chính giảm 37% so với cùng kỳ, do không còn ghi nhận lãi từ chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh lên 793 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ từ chênh lệch tỷ giá.
Các chi phí khác của ACV cũng phình to, với chi phí bán hàng tăng 230% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 147%.
Kết quả, ACV lãi ròng hơn 1,6 ngàn tỷ đồng trong quý 1/2023, tăng 87% so với cùng kỳ.
Năm 2023, ACV đặt kế hoạch doanh thu 18.414 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 8,448 tỷ đồng. Với kết quả quý 1/2023, ACV thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Trong năm 2023, Công ty dự kiến tập trung nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành giai đoạn 1, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng Cảng hàng không Điện Biên, mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, nhà ga T2 Cát Bi.
“Kỳ lân” VNZ lỗ ròng dù doanh thu tăng trưởng
Trong quý I/2023, VNZ báo doanh thu tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 1,85 ngàn tỷ đồng. Khấu trừ cho giá vốn, doanh nghiệp có lãi gộp hơn 847 tỷ đồng, tăng 17%.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh tới 57% còn hơn 18 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính gấp hơn 2 lần cùng kỳ, lên 8 tỷ đồng (trong đó có 4,7 tỷ đồng là chi phí lãi vay). Dù chi phí bán hàng giảm nhẹ, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 24% lên hơn 337 tỷ đồng.
Cùng với khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết tăng mạnh lên 27,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 7,6 tỷ đồng), VNZ tiếp tục có quý thua lỗ với mức lỗ ròng 40,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 16 tỷ đồng).
Trong phần thuyết minh của BCTC riêng quý I/2023, các khoản đầu tư vào công ty con của VNZ không thay đổi so với đầu năm. Tuy nhiên, trích lập dự phòng tăng hơn 115 tỷ đồng (4,3%) so với đầu năm, lên hơn 2,78 ngàn tỷ đồng. Công ty không nêu chi tiết khoản dự phòng này dành cho công ty nào trong BCTC quý 1, nhưng tại BCTC quý 3/2022, ít nhất gần 2,27 ngàn tỷ đồng là dành cho CTCP Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay).
Thời điểm cuối quý I/2023, tổng tài sản của VNZ đạt gần 8,98 ngàn tỷ đồng.
NCB muốn bán 203 triệu cổ phiếu Bamboo Airways
Ngân hàng Quốc dân (NCB) vừa công bố Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản việc chuyển nhượng 203 triệu cổ phần Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - BAV).
NCB sẽ chuyển nhượng 203 triệu cổ phần BAV. Ảnh minh họa |
Theo đó, NCB sẽ chuyển nhượng 203 triệu cổ phần BAV với giá chuyển nhượng bằng tổng toàn bộ nghĩa vụ nợ gốc và nợ lãi mà NCB đã thực hiện cấn trừ cộng với tiền lãi phát sinh tính từ thời điểm cấn trừ đến thời điểm bên mua thực hiện thanh toán với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi VNĐ bình quân của TCKT, cá nhân tính trên nợ gốc đã thực hiện cấn trừ.
Thời hạn thanh toán theo thỏa thuận và do HĐQT ngân hàng NCB quyết định.
Số lượng cổ phần Bamboo Airways có nguồn gốc là một phần tài sản thế chấp của các khoản vay tại NCB. Giữa năm ngoái, HĐQT của NCB đã ban hành 2 nghị quyết về việc xử lý các tài sản đảm bảo này.
Trên thực tế, ngoài NCB, ông Trịnh Văn Quyết và các cổ đông khác còn dùng cổ phần Bamboo Airways để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại nhiều ngân hàng khác như Sacombank, OCB.
Trước đó, trong một tài liệu của Bamboo Airways, ông Quyết sở hữu hơn 56% cổ phần của Bamboo Airways. Các công ty trong hệ sinh thái của FLC Group như FLC Faros sở hữu 5,6%, Công ty FLC AM sở hữu 6,2% và FLC trực tiếp nắm giữ 26%.
Việc NCB lên phương án chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airways cho thấy nhiều khả năng hãng hàng không này đã tìm được nhà đầu tư chiến lược, giúp giải quyết bài toán vốn khó khăn hiện tại.
Tại ĐHCĐ bất thường diễn ra ngày 10/4/2023 vừa qua, kế hoạch phát hành cổ phần tăng vốn để hoán đổi nợ của Bamboo Airways đã thất bại khi bị đa số cổ đông phủ quyết.
Phía Bamboo Airways cho biết sẽ tổ chức cuộc họp ĐHCĐ bất thường lần thứ 2 vào ngày 9/5 tới đây. Nội dung cuộc họp tiếp tục đề xuất phương án tăng vốn nêu trên.
'Vua tôm' Minh Phú lỗ đậm
Lỗ gần 100 tỷ đồng trong quý đầu năm, Minh Phú đứt mạch có lãi hàng quý kéo dài suốt 7 năm qua.
Báo cáo tài chính quý đầu năm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu xấp xỉ 2.100 tỷ đồng, bằng phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Minh Phú lần đầu ghi nhận lỗ sau thuế 95 tỷ đồng sau 7 năm quý nào cũng lãi. Ảnh minh họa |
Biên lợi nhuận gộp từ hơn 11% xuống còn chưa đến 6%, cộng thêm chi phí lãi vay tăng gần ba lần là nguyên nhân chính khiến Công ty lỗ sau thuế 95 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 100 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý đầu năm kém xa mục tiêu doanh thu gần 18.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.145 tỷ đồng mà Công ty trình cổ đông. Kết quả này cho thấy sự chững lại sau một năm lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số để lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ.
Trong báo cáo chiến lược công bố tháng trước, Công ty Chứng khoán Agribank cho rằng kết quả kinh doanh quý đầu năm của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm - trong đó có Minh Phú - kém khả quan bởi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường chủ lực như Mỹ, EU suy yếu. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng khó bù đắp cho sự sụt giảm bởi thị trường này chiếm tỷ trọng không cao.
Tổng tài sản và nợ của "vua tôm" tính đến cuối tháng 3 đều giảm khoảng 1.000 tỷ đồng, lần lượt còn 9.500 tỷ đồng và 3.800 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng là khoản mục biến động mạnh nhất trong bảng cân đối kế toán khi giảm 700 tỷ đồng
SCIC sẽ thoái hết vốn tại Nhựa Bình Minh
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thông báo về việc bán hết toàn bộ gần 20 ngàn cổ phiếu đang nắm giữ của CTCP Nhựa Bình Minh.
Cụ thể, SCIC muốn thoái hết 19.983 cổ phiếu BMP (tương đương 0,02% vốn điều lệ), được thực hiện theo phương thức khớp lệnh, mức giá tối thiểu không thấp hơn 72.300 đồng/cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến trong vòng 1 tháng (5-6/2023).
Mục đích chuyển nhượng là nhằm cơ cấu danh mục đầu tư theo chủ trương thoái vốn đầu tư của SCIC tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần. Việc chào bán cổ phần chỉ làm thay đổi tỷ lệ sở hữu trong cơ cấu cổ đông mà không làm thay đổi mức vốn điều lệ đã đăng ký của Công ty.
Về kết quả kinh doanh, quý I/2023, doanh thu thuần Nhựa Bình Minh đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 281 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ và đây cũng là mức lãi sau thuế theo quý cao nhất kể từ năm 2014.
Trước đó, theo BCTC hợp nhất quý I/2023, doanh thu thuần Nhựa Bình Minh đạt 1,440 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 885 tỷ đồng, thấp hơn 14%. Điều này dẫn đến biên lãi gộp cải thiện đáng kể, ở mức gần 39% trong quý I/2023, so với mức 24% quý I/2022.
Trong khi đó, chi phí bán hàng ghi nhận 160 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp ít thay đổi, giảm nhẹ 1% xuống còn 26 tỷ đồng.
Hết quý I/2023, Nhựa Bình Minh báo lãi sau thuế 281 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Đây là mức lãi sau thuế theo quý cao nhất kể từ năm 2014.