2 cổ đông chiến lược của Vinatex hiện nay là Vingroup và VID |
Vinatex muốn thoái hết gần 2.700 tỷ đồng vốn nhà nước
Sáu bộ, ngành trung ương vừa được Văn phòng Chính phủ gửi công văn lấy ý kiến về đề xuất của Vinatex xin thoái hết phần vốn nhà nước là 2.675 tỷ đồng, sau khi Vinatex có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc thoái hết vốn nhà nước.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, Vinatex đã chính thức cổ phần hóa từ tháng 1/2015, với vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước chiếm 53,49% (2.675 tỷ đồng). Trong khi đó, theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vinatex không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ vốn.
“Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới này, Vinatex rất cần có các cổ đông có năng lực quản trị chuyên nghiệp và nắm giữ, phát triển thị trường để hỗ trợ Tập đoàn về công tác quản trị và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, Tập đoàn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinatex”, ông Trường cho biết.
“Khát” cổ đông lớn hỗ trợ quản trị, tiêu thụ sản phẩm
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về việc đã có nhà đầu tư nào ngỏ ý mua phần vốn nhà nước tại Vinatex chưa, ông Trường cho biết, khó để trả lời vào thời điểm này, vì chỉ khi Chính phủ đồng ý cho bán, thì danh tính các nhà đầu tư quan tâm mới rõ ràng.
Về thời điểm bán thuận lợi, ông Trường cho rằng, năm 2017 hay 2018 cũng không có khác biệt, do dệt may không phải là ngành lên xuống liên tục như một số ngành khác.
Được biết, trong đợt cổ phần hóa, Vinatex đã phát hành 120 triệu cổ phần, tương ứng 24% vốn điều lệ. Hai cổ đông chiến lược sở hữu số cổ phần này là Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID), trong đó VID nắm giữ 70 triệu cổ phiếu, tương ứng 14% và Vingroup nắm giữ 50 triệu cổ phiếu, tương ứng 10% vốn điều lệ của Vinatex.
Nhưng chỉ sau chưa đầy 2 năm, tháng 8/2016, VID đã đặt vấn đề với Vinatex về việc chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn. Vinatex đã lấy ý kiến cổ đông để chấp thuận cho VID chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trước thời hạn. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần thực tế chưa diễn ra.
Như vậy, đến thời điểm này, cả 2 cổ đông chiến lược của Vinatex đều không cùng ngành nghề, nên không có kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng dệt may.
Ngoài ra, Vinatex có khoảng 30 cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, sở hữu hơn 55 triệu cổ phiếu, chiếm 11,01% vốn điều lệ.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2017, Vinatex đạt doanh thu 4.270 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng năm 2017, Vinatex đạt 8.164 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 316,6 tỷ đồng, tăng 4,5%.
Kế hoạch kinh doanh 2017 của Vinatex đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 749 tỷ đồng. Như vậy, qua 6 tháng đầu năm, Tập đoàn mới hoàn thành 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Liên quan việc tìm vốn cho đầu tư phát triển, đại diện Vinatex cho biết, theo hiệp định của Chính phủ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối năm 2015, Vinatex được tham gia Chương trình "Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty - Dự án 2", được ADB cho vay 100 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường (có lãi suất) và 5 triệu USD từ nguồn vốn vay đặc biệt, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý khoản vay.
Song đến nay, Vinatex mới giải ngân được 61 triệu USD, phần còn lại chưa giải ngân được vì vướng mắc về tài sản đảm bảo. Trong đó, việc Bộ Tài chính không chấp nhận tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi vậy, Vinatex kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho khoản vay như hiệp định đã được ký để làm cơ sở giải quyết khó khăn trong thời gian tới.