Lỗ hàng nghìn tỷ vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động
Theo vị đại diện của Vingroup, hoạt động công nghiệp, điện tử, sản xuất ô tô xe máy, thiết bị điện tử của tập đoàn do nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, dẫn đến thiếu linh kiện, phụ tùng. Điều này dẫn tới sản xuất ô tô xe máy bị ngưng trệ, lỗ trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có cả lỗ theo kế hoạch. Lĩnh vực sản xuất thiết bị điện thoại, điện tử cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Với lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí, do các hãng hàng không ngừng bay, người dân không đi du lịch, các cơ sở khách sạn của tập đoàn dừng hoạt động 70%, 30% còn lại hoạt động cầm chừng. Toàn bộ hệ thống nghỉ dưỡng, du lịch, vui chơi giải trí của Vingroup dừng hoạt động.
Tuy nhiên, hơn 18.000 cán bộ nhân viên vẫn được tập đoàn này duy trì lực lượng, đảm bảo thu nhập để sẵn sàng làm việc khi dịch kết thúc. Theo tính toán, lỗ trước thuế của mảng dịch vụ du lịch khoảng 3.000 tỷ đồng.
Mảng bất động sản, trung tâm thương mại cũng gặp khó khăn khi các cửa hàng trả lại mặt bằng thuê, phải đóng cửa một số khu kinh doanh chống dịch. Giải đua F1 đầu tư lớn nhưng cũng phải hoàn lại 100% tiền vé cho khách hàng đã mua.
Hoạt động giáo dục Vinschool cũng phải đóng cửa toàn bộ. Vinschool đã xây dựng chương trình học trực tuyến đế đảm bảo kiến thức cho học sinh không bị gián đoạn nhưng không thu bất kỳ chi phí nào, trả lương đầy đủ cho cán bộ công nhân viên.
“Lĩnh vực nào của tập đoàn cũng chịu thiệt hại”, vị đại diện Vingroup nói.
Cho biết mặc dù Chính phủ đã ra nhiều nghị định, nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có Vingroup, nhưng đại diện tập đoàn cũng đề nghị kéo dài thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất 1 năm, giãn nộp tiền thuế đất. Các cơ sở lưu trú, ăn uống, du lịch được miễn tiền thuế đất năm 2020; giãn thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ việc mua ôtô.
Đường đua F1 Hà Nội - một dự án bị ảnh hưởng của Tập đoàn Vingroup |
Đề xuất đẩy nhanh các thủ tục, các sở ngành không đẩy quả bóng lên UBND Thành phố
Với những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP. Hà Nội, Vingroup đề nghị được sớm cho phép các doanh nghiệp được tài trợ sản phẩm, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. “Điều này giúp vừa nhằm giảm chi phí ngân sách vừa rút ngắn được tiến độ triển khai các dự án”, ông phân tích.
Ông cũng đề nghị Thành phố đẩy nhanh báo cáo Thủ tướng điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của Thủ đô đã được Thủ tướng chấp nhận chủ trương. Vấn đề tài trợ bằng sản phẩm, điều chỉnh quy hoạch, sau khi phê chuẩn quy hoạch xong vẫn tổ chức đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư bình thường, thay vì doanh nghiệp tài trợ thì được tham gia.
Đề nghị Thành phố sớm phê duyệt danh mục các dự án sử dụng đất để kêu gọi các nhà đầu tư sau dịch Covid-19, ông đề xuất thực hiện ngay trong khoảng tháng 5 đến tháng 7 để các nhà đầu tư tham gia.
Liên quan đến các dự án BT đang triển khai, Vingroup đề nghị Thành phố tạo điều kiện để giao quỹ đất đối ứng của các dự án đã GPMB xong với các dự án BT đang triển khai, tổ chức triển khai sớm để có nguồn lực để vừa nếu thừa nộp ngân sách ngay, nếu chưa đủ lại giao tiếp.
Về thủ tục hành chính, ông đề xuất đẩy nhanh việc giải quyết các hồ sơ dự án đang tồn đọng, ví dụ các dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đại diện Vingroup bày tỏ mong muốn sớm được giao đất, tính tiền sử dụng đất và nộp tiền cho nhà nước.
Cuối cùng, ông đề xuất rút từ 10 ngày xuống 5 ngày với việc xử lý các giấy tờ, thủ tục hành chính của doanh nghiệp. “Tôi mong muốn các sở ngành có câu trả lời thật ‘nét’, không đẩy quả bóng lên cho UBND Thành phố”, ông nói.