Giải thưởng Sách Quốc gia là sự tiếp nối, phát triển và nâng tầm Giải thưởng Sách Việt Nam nhằm ghi nhận, tôn vinh các tác giả, dịch giả, các nhà khoa học, những người tham gia công tác xuất bản, in và phát hành sách trên cả nước. Qua đó, góp phần xây dựng văn hóa đọc, thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh.
Báo cáo tổng kết về Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu, ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ sáu cho biết: “Phát huy giá trị, uy tín của Giải thưởng Sách Quốc gia 5 năm qua, cùng với những đổi mới trong quy chế, Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023 đã thu hút nhiều tác giả, đơn vị xuất bản tham gia với những cuốn sách, bộ sách chất lượng về cả nội dung lẫn hình thức.”
Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ sáu phát biểu tại Lễ trao giải. (Ảnh: Phương Linh) |
Năm 2023, 41 nhà xuất bản gửi sách tham dự với 312 tên sách, 435 cuốn sách, tăng trên 15% số cuốn so với năm 2022. Các cuốn sách, bộ sách đề xuất giải thưởng đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.
Mặc dù thời gian tổ chức chấm giải ngắn hơn so với các năm trước, song với quyết tâm cao, Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia đã triển khai nhiệm vụ khẩn trương, đúng quy chế, khoa học, bảo đảm thực hiện nghiêm quy trình 3 vòng.
Hơn 70 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham gia, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học có uy tín, phù hợp với chuyên ngành sách đã thể hiện sự nghiêm túc, thẳng thắn, công tâm, trách nhiệm cao trong công tác chấm giải, thống nhất đề xuất trao giải cho 41 tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu bao gồm: 2 Giải A; 10 Giải B; 11 Giải C, 18 Giải Khuyến khích.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải cho tác phẩm đoạt Giải A. (Ảnh: Phương Linh) |
Ông Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trao Giải B cho các tác phẩm đoạt giải. (Ảnh: Phương Linh) |
“Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đánh giá các cuốn sách, bộ sách vinh danh lần này được đầu tư công phu, phong phú về đề tài, sắc sảo về nội dung, đồ sộ về quy mô, đa dạng về phong cách và giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc. Trong đó, nhiều tác phẩm với sự tìm tòi, đột phá, mới mẻ và hấp dẫn, được độc giả đón nhận, đánh giá cao.
Sức hấp dẫn và hiệu ứng sâu rộng của các tác phẩm ngày càng khẳng định sự ủng hộ to lớn của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đối với ngành xuất bản Việt Nam trên chặng đường hơn 70 năm đồng hành cùng dân tộc”, ông Phạm Minh Tuấn khẳng định.
Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ, trải qua các mùa giải, Giải thưởng sách Quốc gia đã tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận, đánh giá cao.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Phương Linh) |
“Chúng ta tôn vinh các tác giả, dịch giả, người làm công tác xuất bản, cũng chính là tôn vinh văn hoá đọc. Ở Giải thưởng lần này, với nhiều đổi mới, từ quy chế đến công tác chấm giải, tổ chức Lễ trao giải, Giải thưởng đã có bước phát triển mới, có sự tương tác với người đọc, xứng tầm là giải thưởng cấp quốc gia.”, ông Đỗ Văn Chiến đánh giá.
Ông Trần Hậu Yên Thế (bìa phải), tác giả của cuốn sách “Mỹ thuật Việt - soi từ phía khác” đã đoạt Giải B. (Ảnh: Phương Linh) |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn sau khi nhận giải thưởng, ông Trần Hậu Yên Thế, tác giả của cuốn sách “Mỹ thuật Việt - soi từ phía khác” đã đoạt Giải B cho biết: “Đây là ngày vui của giới xuất bản cũng như giới viết sách và những người yêu sách, trong niềm vui chung này, tôi gửi tới lời động viên tới các độc giả rằng, mặc dù đất nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học - công nghệ, ngày càng nhiều các trang mạng xã hội khiến độc giả dễ dàng tiếp nhận kiến thức, thông tin trên đó nhưng không thể phủ nhận rằng văn hoá đọc vẫn là thứ mà người dân Việt Nam cần gìn giữ và phát huy.
Những kiến thức mà chúng ta đọc được sẽ trở nên hữu ích nếu ta biết cách dùng nó trong cuộc sống thường ngày. Có như vậy thì ta mới cảm nhận được việc đọc sách thật sự mang lại nhiều giá trị trong cuộc sống, cảm nhận được chiều sâu văn hoá Việt Nam”.
Một số tiết mục văn nghệ trong chương trình. (Ảnh: Phương Linh) |
Để hoạt động xuất bản đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, ông Đỗ Văn Chiếnđề nghị ngành xuất bản cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cần làm tốt vai trò quản lý, định hướng trong hoạt động xuất bản, kịp thời tháo gỡ khó khăn để hoạt động xuất bản đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, liên kết xuất bản tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng đầu tư, tổ chức xuất bản nhiều đầu sách giá trị, phát huy tối đa mặt mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phổ biến, quảng bá các xuất bản phẩm Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thông qua đó đưa xuất bản trở thành một thành tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Có như vậy thì việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần.