Doanh nghiệp
Vinh danh 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2015
Kỳ Thành - 22/04/2015 11:24
Sáng nay (22/4), tại Hà Nội, CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam kết hợp cùng Báo điện tử VietnamNet (Bộ Thông tin Truyền thông) đã tổ chức "Lễ công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015".

Buổi lễ có sự tham dự của Lãnh đạo đại diện Bộ Thông tin và truyền thông; Lãnh đạo đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; đại diện của các Tô chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam như: Jetro (Nhật Bản), Kotra (Hàn Quốc), Matrade (Malaysia)...; đại diện lãnh đạo của nhiều tỉnh thành trong cả nước cùng hơn 200 đại diện tiêu biểu đến từ cộng đồng doanh nghiệp tăng trưởng FAST500 tại Việt Nam.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho những tên tuổi lớn như Tôn Hoa Sen, Đường Ninh Hòa, May Hưng Yên, Bitexco Nam Long, Cảng Đình Vũ…

Hầu hết các tên tuổi lớn đều có mặ trong danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất

 

Nhân sự kiện năm thứ 5 liên tiếp công bố Bảng xếp hạng FAST500, Vietnam Report cũng công bố Danh sách Top 50 Vietnam Best Growth - Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất giai đoạn 2009 - 2014. Các doanh nghiệp có tên trong Danh sách này là các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt nhất và bền vững, duy trì tốt hiệu quả hoạt động kinh doanh trong suốt giai đoạn 2009 - 2014, là hình mẫu tiêu biểu cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh của đất nước trong giai đoạn sau hội nhập WTO.

Đồng thời, Vietnam Report cũng chính thức giới thiệu Báo cáo tăng trưởng Việt Nam 2015, tập hợp các phân tích chuyên sâu về cơ hội và thách thức tăng trưởng của các ngành kinh tế trọng điểm: Công nghệ viễn thông, Thực phẩm - đồ uống và Nông nghiệp, từ đó đưa ra những khuyến nghị nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn kế tiếp.

Theo dự báo của Vietnam Report, ngành viễn thông năm 2015 sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt cũng như những xu hướng mới, đòi hỏi cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải thích nghi để đáp ứng với nhu cầu thực tế. Mức độ cạnh tranh trên thị trường viễn thông Việt Nam được dự báo còn khôc liệt hơn khi thị trường đã bước vào giai đoạn bão hòa và xuất hiện thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới theo lộ trình cam kết gia nhập WTO.

Về ngành đồ uống, triển vọng tăng trưởng khá khả quan bởi ngành đã thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Dự báo doanh số toàn ngành sẽ tăng 7,5% vào năm 2015-2016 và doanh thu tăng 10,5% khi người tiêu dùng bắt đầu sử dụng các loại đồ uống có giá trị cao hơn. Mặt hàng Bia tiếp tục giữ vai trò chiếm lĩnh thị trường cả về mặt doanh số lẫn doanh thu. Dự báo đến năm 2016, mặt hàng bia sẽ tăng 32,8%, cùng với đó là mặt hàng rượu. Tuy nhiên, khi thu nhập của người dân tăng, tích lũy nhiều thì họ sẽ có những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và chuyển sang những loại nước uống có cồn có giá trị cao hơn.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang trở thành một điểm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi nền kinh tế định hướng toàn cầu hóa và tìm kiếm thị trường xuất khẩu ở châu Âu và Hoa Kỳ, cổ phần hoá các Doanh nghiệp Nhà nước, tự do hóa thương mại, và chuyển đổi định hướng chính sách hướng tới các nước phương Tây giúp cải thiện cơ hội cho các nhà đầu tư phương Tây trong vòng 5 năm tới. Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 11 nước, trong đó có Hoa Kỳ, có thể sẽ mang lại rất nhiều cơ hội mới và sự phát triển cho ngành nông nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp sẽ phải đối mặt với các thách thức bao gồm công nghệ thiếu tính cạnh tranh, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lực lượng lao động thiếu kỹnăng, và chất lượng sàn phẩm xuất khẩu thấp, hay những thách thức môi trường bao gồm thay đổi khí hậu, sự dâng lên của mực nước biển, nạn phá rừng và sự xói mòn đất.

Tin liên quan
Tin khác