Với kết quả trên, Vĩnh Hoàn đã thực hiện được 48% kế hoạch doanh thu và 56% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021. |
Theo Báo cáo cáo kinh doanh mới công bố, doanh thu thuần quý II tăng 41% so với cùng kỳ lên 2.343 tỷ đồng. Trước những khó khăn của dịch bệnh, giá vốn hàng bán của Vĩnh Hoàn ghi nhận mức tăng cao hơn mức tăng của doanh thu thuần khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 20% về18,5%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 4.131 tỷ đồng, tăng trưởng 25% chủ yếu nhờ doanh thu từ bán thành phẩm (tăng 21%) và doanh thu bán phụ phẩm (tăng 64%). Lợi nhuận sau thuế đạt 392 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Về chi phí, trong quý II, chi phí bán hàng của Vĩnh Hoàn tăng mạnh, lên tới 101 tỷ đồng, tăng 180% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng chi phí bán hàng lên tới 190 tỷ đồng, tăng 154% cùng kỳ 2020.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II/2021 của VHC đạt 302 tỷ đồng, tăng gần 20% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 454 tỷ đồng tăng 7%.
Lợi nhuận sau thuế và lãi ròng hợp nhất quý II/2021 đạt 261 tỷ đồng, tăng 16% cùng kỳ năm trước và là quý có lãi lớn nhất trong 7 quý trở lại đây. Luỹ kế 6 tháng hợp nhất đạt 392 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% cùng kỳ 2020. EPS 6 tháng đạt 2.152 đồng.
Vĩnh Hoàn giải trình lợi nhuận quý này của công ty tăng 16% so với cùng kỳ năm trước do giá vốn hàng bán giảm, tuy nhiên số liệu trên báo cáo tài chính cho thấy biên lợi nhuận gộp quý 2/2021 của công ty chỉ đạt 18,5% giảm nhẹ so với mức 19,5% cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng con số lần lượt là 17% và 16,4%.
Về tài sản, tính đến quý II, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn vượt 7.965 tỷ đồng, tăng thêm 764 tỷ đồng so với đầu năm, mức tăng chủ yếu từ hàng tồn kho và tài sản cố định. Trong đó, hàng tồn kho ở mức 2.108 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 26% tổng tài sản;
Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Vĩnh Hoàn khá dồi dào. Tại thời điểm 30/6/2021, công ty nắm giữ 114 tỷ đồng tiền mặt và 1.141 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (trong đó 1.091 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 50 tỷ trái phiếu).
Còn nguồn vốn, Vĩnh Hoàn đang vay tổng cộng 1.711 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, tăng 53% so với cuối quý 1 và chiếm khoảng 68% tổng nợ phải trả.
Cuối quý II, vốn chủ sở hữu tính tới là 5.460 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 3.482 tỷ đồng.
Ngày 28/6 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt ra soát định kỳ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ, trong đó Vĩnh Hoàn là đơn vị bắt buộc duy nhất chịu mức thuế 0 USD/kg. Hiện, Vĩnh Hoàn đang chiếm thị phần xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ và có đến 4 nhà máy trên tổng 13 nhà máy được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phê duyệt theo chương trình kiểm tra cá da trơn.
Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch sang Mỹ trong tháng 6 năm nay tăng mạnh 77% so với cùng kỳ, theo Vĩnh Hoàn thị trường này cải thiện đáng kể do sự tái hoạt động của nhà hàng cũng như ngành dịch vụ thực phẩm sau cao điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Thị trường này cũng bù đắp một phần cho sự giảm sút ở thị trường châu Âu (giảm 25%) và thị trường Trung Quốc (giảm 12%), nguyên nhân do lo ngại trước nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VHV đang lao dốc, tính đến phiên chiều ngày 21/7, giá cổ phiếu đang giảm ở mức 38.400 đồng/cổ phiếu.