Trên sảnh ballroom Sheraton Grand Đà Nẵng, nơi đã tổ chức Quốc yến APEC 2017 một cách hoàn hảo, là những bức ảnh chụp Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga… Gần đó là hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Tại đây, ở một công trình mang dấu ấn của những kỷ lục, vinh quang và danh dự cá nhân đã hòa đồng với vinh quang và danh dự của Tổ quốc…
Dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế
Phải tới khi vị khách cuối cùng rời Gala Dinner do Chủ tịch nước Trần Đại Quang thết đãi các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế APEC, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Sau khi quyết định đầu tư xây dựng một tổ hợp khách sạn đẳng cấp quốc tế 6 sao để kịp tổ chức Quốc yến, một trong những sự kiện quan trọng nhất của APEC 2017, bà và các cộng sự, đối tác đã bước vào một cuộc đua “vô tiền khoáng hậu” với thời gian chỉ vỏn vẹn 14 tháng.
Có những lúc tưởng chừng phải chấp nhận thua cuộc, có những đêm trắng, mất ăn mất ngủ đo đếm từng bước đi trong bế tắc, nhưng rồi lòng yêu nước và tinh thần quyết tâm đã đưa họ vượt qua mọi thách thức, để rồi tổ hợp Sheraton Grand Đà Nẵng đã về đích ngoạn mục.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với bà Nguyễn Thị Nga và lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng. |
“Tháng 6 với chúng tôi có 90 ngày, tháng 8 có 62 ngày”, bà Nga kể về chuỗi thời gian đầy áp lực khi đại công trường với hàng chục ngàn công nhân luôn rực sáng ánh đèn 3 ca, làm việc đầy nhiệt huyết vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc.
APEC 2017 thành công rực rỡ, Quốc yến thành công, để lại những ấn tượng đậm nét với bạn bè khắp năm châu. Còn với những người thắp lửa Sheraton Grand Đà Nẵng, niềm vui đã vỡ òa trong nước mắt. Họ đã phá vỡ những giới hạn tưởng như không thể với tới, tự hào bởi những đóng góp vào thành công chung của sự kiện đối ngoại quan trọng bậc nhất trong hàng thập kỷ của Việt Nam.
Dấu ấn Việt Nam qua Sheraton Grand Đà Nẵng lại tiếp tục ghi điểm với giới kinh doanh toàn cầu qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh golf châu Á - Thái Bình Dương ngay sau APEC. Họ là những tỷ phú Mỹ, tỷ phú Trung Quốc như Bob Parson, Tenniel Chu… đến Việt Nam bằng chuyên cơ riêng và không khỏi ngạc nhiên về sự phát triển năng động của nền kinh tế, về một tổ hợp nghỉ dưỡng bề thế, sang trọng đẳng cấp quốc tế bên bờ biển xinh đẹp Đà Nẵng.
Và những ca từ đầy ý nghĩa của bài hát “Hello Việt Nam” cất lên tại Lễ công bố thương hiệu Sheraton Grand đầu tiên tại Đông Nam Á của Tập đoàn Marriott vào những ngày đầu năm 2018, chính là một lời chào của Việt Nam với du khách trong nước và thế giới, tiếp tục ghi dấu ấn tên tuổi Đà Nẵng, tên tuổi Việt Nam với khu vực và thế giới.
Các nhà lãnh đạo kinh tế của APEC tham dự Quốc yến được tổ chức tại Sheraton Grand Đà Nẵng Resort |
Ông Karl Hudson, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Marriott đã nhận xét: “Nếu không có tầm nhìn và niềm đam mê của bà Nguyễn Thị Nga, thì không thể có một tổ hợp đẳng cấp sang trọng, bề thế như vậy. Marriott chỉ trao thương hiệu Sheraton Grand cho các khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn cao nhất sau khi đã kiểm tra nghiêm ngặt. Là resort đầu tiên nhận danh hiệu này ở Đông Nam Á, Sheraton Grand Đà Nẵng Resort có chất lượng cao nhất, kiến trúc, vật liệu được lựa chọn vô cùng cẩn trọng”.
Trên trang web toàn cầu của Marriott dành vị trí trang trọng và những lời giới thiệu rất đẹp về khu nghỉ dưỡng nói riêng, về Đà Nẵng nói chung. Đây chính là sự quảng bá đắt giá cho du lịch Việt Nam, ngành công nghiệp được coi là động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Sau những khởi đầu hoàn hảo, Sheraton Grand Đà Nẵng đã nhận được nhiều “đặt hàng” cho các sự kiện lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, như PerkinElmer tổ chức hội thảo 200 phòng vào cuối tháng 1/2018…
Không chỉ là thành công của riêng khu nghỉ dưỡng, đó cũng là những đóng góp rất ý nghĩa với địa phương, khi mỗi tháng có thêm hàng nghìn lượt du khách đến với Đà Nẵng ở phân khúc khách cao cấp, có mức chi tiêu, chi trả rất cao.
Hành trình tiến về phía trước
Không ăn mừng với những thành công hay vinh quang, doanh nhân Nguyễn Thị Nga và BRG đang miệt mài đi tiếp, dù biết rằng phía trước là muôn vàn thử thách. Đó là những dự án lớn như khách sạn cao cấp, sân golf, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… góp phần thay đổi bộ mặt cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.
Năm 2017, du lịch Việt Nam đã tăng trưởng tới 29%, năm 2018 mục tiêu đặt ra là tiếp tục tăng trưởng 25% với tổng doanh thu lên tới trên 25 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những giải pháp là tập trung khai thác phân khúc khách cao cấp có khả năng chi trả, tiêu dùng cao. Những doanh nghiệp như BRG với định hướng chiến lược rõ ràng là mang tới các dịch vụ tiện nghi, nâng tầm tiêu chuẩn sống cho cộng đồng, sẽ là những đầu tàu, kéo cả cỗ máy tiến nhanh về phía trước.
“Chúng tôi mong chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể đầu tư, xây dựng dự án trong thời gian nhanh nhất, để đưa công trình vào hoạt động và sớm có đóng góp cho ngân sách địa phương”, bà Nga chia sẻ.
Chủ tịch của BRG cũng kỳ vọng rằng, những chính sách tạo động lực tăng trưởng cho ngành du lịch như nới rộng diện miễn visa, thị thực cho du khách quốc tế, quảng bá những điểm đến đẹp của Việt Nam, những địa danh lịch sử, đậm chất văn hóa đặc sắc…, hay việc đào tạo nhân viên du lịch có phong cách, tâm thế phục vụ, luôn chào hỏi, nở nụ cười tươi với khách, say mê giới thiệu các điểm đến... sẽ sớm được thực thi.
Về phần mình, ngoài hợp tác tốt với Marriott khai thác Sheraton Grand Đà Nẵng Resort, BRG đang nỗ lực để đưa sân golf King Course tại Hà Nội, sân Heritage tại Đà Nẵng… đi vào hoạt động.
Mới đây, Việt Nam đã xuất sắc vượt qua Thái Lan trở thành điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây chính là tín hiệu vui để golf trở thành một ngành công nghiệp phát triển bên cạnh sự tăng trưởng 2 con số của ngành du lịch, bởi cả hai nhóm du khách đến Việt Nam, dù đến chơi golf hay đến du lịch và chơi golf đều có mức tiêu dùng rất lớn cho các khoản mục như khách sạn, ăn uống, mua sắm… Nhìn ra khu vực, tại Thái Lan, Trung Quốc hoặc Indonesia, golf đã trở thành lĩnh vực có đóng góp doanh thu rất lớn trong tổng doanh thu của ngành du lịch.
Khi đứng trước những cây đại thụ cao lớn vượt trội trong đại ngàn, nhiều người chắc hẳn đặt một câu hỏi: “Yếu tố nào, động lực nào khiến chúng vững vàng và có sự khác biệt như vậy?”.
Với BRG và những tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước, có lẽ câu trả lời nằm ở chính phần mở đầu của bài viết. Doanh nghiệp chỉ có thể trường tồn khi những người chèo lái có tâm thế sẽ hành động, sẽ làm việc vì sứ mệnh phụng sự xã hội.
Năm 2017, doanh nhân Nguyễn Thị Nga và Tập đoàn BRG đã ghi dấu ấn ở việc hoàn thành sứ mệnh quốc gia phục vụ APEC, nhưng với những người đầy tâm huyết như bà, chắc chắn rằng sẽ có thêm nhiều câu chuyện mới tiếp tục được kể, với sứ mệnh đóng góp lâu dài cho cộng đồng và đất nước.