Một góc Trung tâm hành chính huyện Vĩnh Thạnh |
Vĩnh Thạnh có tiềm năng lớn về nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến lương thực, thủy sản với vùng nguyên liệu dồi dào. Huyện đã và đang được Trung ương và Thành phố đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến giao thông quan trọng, như Quốc lộ 80, tuyến sông cái Sắn đi qua với chiều dài trên 24 km, đường WB5 nối xã Thạnh Lộc, tuyến Kênh E - Thoại Sơn…
Ngoài ra, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hoàn thành, đưa vào khai thác vào đầu năm 2021, đã giúp rút ngắn khoảng cách đến các quận, huyện của TP. Cần Thơ và các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp…, mở ra triển vọng mới để Vĩnh Thạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản.
Năm qua, chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng huyện có 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. UBND huyện đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép trong 2 năm qua và đang tích cực tập trung đôn đốc, phục hồi phát triển sản xuất, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.
Song song với đó, huyện khuyến khích các ngành phục vụ phát triển nông nghiệp như chế biến lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, chế biến thủy sản, thức ăn gia súc, gia cầm. Quan tâm phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống như sửa chữa, chế tạo cơ khí, hàn tiện, gia công, xây dựng… Đồng thời, tập trung phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, đa dạng hóa loại hình sản phẩm và dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đa dạng hóa các phương thức kinh doanh mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
Trong thời gian tới, nhằm thu hút dầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương, huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới sự hài lòng của nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, diện tích 900 ha (tại xã Vĩnh Trinh) vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Phát triển các khu công nghiệp tại Văn bản số 156/TTg-CN ngày 4/2/2021 về Đề án Bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Với vị trí gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang và TP.HCM và dọc theo vị trí quy hoạch Dự án cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang, Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh có điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ, có khả năng liên kết với các vùng lân cận của các tỉnh giáp ranh nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của khu vực.
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới là tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm dưới đây nhằm phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Một là, nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa, an toàn và khả năng cạnh tranh cao; quy hoạch lại các vùng sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh để nông dân an tâm đầu tư cải tạo lại đồng ruộng; khuyến khích nông dân sản xuất 2 vụ lúa/năm và một vụ xen canh ở những nơi có điều kiện gắn với quy hoạch mạng lưới thủy lợi nội đồng, đảm bảo khép kín, an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hai là, phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng đa dạng hoá loại hình sản phẩm và dịch vụ; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội; phấn đấu tạo thương hiệu sản phẩm hàng hoá tiêu thụ trên thị trường. Tiếp tục nâng cấp chợ huyện, chợ xã, thị trấn. Hoàn chỉnh quy hoạch và các thủ tục kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hoá truyền thống gắn phát triển làng nghề phục vụ khu du lịch.
Ba là, tập trung công tác quy hoạch cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông thủy, bộ như kênh Cái Sắn, kênh Thắng Lợi 1, Thắng Lợi 2, Quốc lộ 80, đường WB5. Phấn đấu khởi công xây dựng Khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn (hợp phần I: 296 ha), 2 đường dẫn vào cụm công nghiệp, khu tái định cư tại xã Vĩnh Trinh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.
Bốn là, triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với các doanh nghiệp trong cải tiến thiết bị, máy móc, nâng cấp trang thiết bị và chuyển giao công nghệ mới. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp truyền thống của huyện như chế biến nông sản, nhất là chế biến sau thu hoạch, nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, chế biến thức ăn gia súc và sản xuất hàng tiêu dùng thông thường.
Tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển ngành nghề công nghiệp cơ khí, sửa chữa điện cơ, công nghiệp may mặc… Tiếp tục duy trì họp mặt đối thoại và thường xuyên thăm hỏi động viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh an tâm đầu tư phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.215 tỷ đồng, xây dựng xã Thạnh Lộc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Thạnh Lợi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.