Sau hơn 4 tháng, ngày 11/03/2024 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chào bán tín phiếu trở lại. NHNN đã phát hành gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày với 6/18 thành viên tham gia trúng thầu, lãi suất 1,4%/năm. Động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng trong những tuần gần đây và thanh khoản hệ thống có phần dồi dào trở lại khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.
Việc NHNN mở lại hoạt động chào thầu tín phiếu có nét tương đồng so với hồi trung tuần tháng 9/2023 khi tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực và lãi suất VND liên ngân hàng không có chiều hướng hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối khách hàng Cá nhân CTCK Maybank Invesment bank (MSVN), không cho rằng việc bán tín phiếu là dấu hiệu cho thay đổi chính sách tiền tệ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào và biến động lãi suất thị trường liên ngân hàng có ít tác động đến lãi suất thị trường một. Trong ngắn hạn, mức mất giá 1,7% của VND vẫn thấp hơn mức mất giá trung bình khoảng 3% trong lịch sử và mức cao nhất 4,3% trong năm 2023.
VND mất giá 1,7% so với đầu năm đến từ việc (1) Fed duy trì mức lãi suất cao, (2) căng thẳng địa chính trị trên thế giới, (3) nhu cầu xuất nhập khẩu trong nước gia tăng và (4) giá vàng, bitcoin lập đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, MSVN cho rằng các áp lực này sẽ sớm hạ nhiệt.
Những yếu tố có thể làm yếu đồng USD trong thời gian tới. Thị trường Fed Funds tương lai đang phản ánh đợt cắt lãi suất đầu tiên 25 bps trong tháng 6/2024, Fed “dot plot” đang dự phóng tổng mức cắt lãi suất là 75 bps cho cả năm 2024. Bên cạnh đó, tác động tới chuỗi cung ứng của giao tranh Israel – Hamas sẽ ở mức vừa phải. Thực tế, chỉ số USD index hiện chỉ dao động trong vùng 103-105 điểm trong thời gian qua. MSVN dự báo chỉ số này sẽ lùi về mức 100 điểm vào cuối năm.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu trong nước tăng cho thấy nền kinh tế đang tăng tốc dần. Xuất nhập khẩu tăng 18%-19% n/n lên mức kỷ lục trong 2 tháng 2024. Ông Lâm cho rằng hồi phục kinh tế và thặng dư cán cân vãng lai sẽ là các yếu tố dẫn dắt đồng VND hồi phục so với USD trong năm nay. Do đó, rằng tỷ giá sẽ nằm trong tầm kiểm soát trong năm nay và NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ tăng trưởng.
Quay lại với thị trường chứng khoán ngày 12/3, tâm lý ngắn hạn của thị trường đã trở nên kém lạc quan trước thông tin trên dẫn đến áp lực điều chỉnh khá mạnh phiên trước. Sau những phút giảm điểm đầu phiên, VN-Index đã lấy lại được sắc xanh sau 2 phiên điều chỉnh. Đà tăng có phần mở rộng hơn trong phiên chiều và lan tỏa khá đều ở hầu hết các nhóm ngành.
Kết phiên, VN-Index tăng 9,51 điểm (tương đương 0,77%) đạt mức 1.245 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HSX đạt hơn 815 triệu cổ phiếu, giảm hơn 11% so với phiên trước và đạt 19.801 tỷ đồng về giá trị.
Vẫn có nhiều mã, nhóm mã có diễn biến tăng giá mạnh, nổi bật là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su như GVR (+6,94%), DPR (+6,94%), SIP (+6,93%), SZC (+3,94%).... ngoài ITA (-1,64%)... Nhóm cổ phiếu bán lẻ khá nổi bật khi nhiều mã tăng mạnh như DGW (+6,91%), PET (+4,05%), FRT (+2,27%)...
Các cổ phiếu nhóm Viettel cũng có mức tăng giá mạnh dưới ảnh hưởng tích cực của VTP (+19,9%) khi chào sàn HOSE hôm nay, VTK (+12,05%), CTR (+4,80%), VGI (+2,86%)...Các cổ phiếu công nghệ cũng nhiều mã cũng tăng giá mạnh, vượt đỉnh với thanh khoản gia tăng như ELC (+6,95%), CMG (+3,57%), FPT (+1,73%)....
Cổ phiếu ngân hàng đa số đã phục hồi trở lại và phân hóa mạnh với BID (+2,97%), TCB (+1,98%), LPB (+1,81%).... ngoài các mã giảm điêm nhẹ NVB (-0,93%), SHB (-0,88%), HDB (-0,65%)... Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng phân hóa, đa số biến động nhẹ, thanh khoản suy giảm nhưng vẫn trên mức trung bình như VIX (-3,09%), VFS (-2,44%), SHS (-1,67%), AGR (-1,42%)...BSI (+1,74%), VCI (+1,36%), SBS (+1,30%)....
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay với giá trị hơn 172 tỷ đồng, tập trung bán ròng ở các mã như MWG (-262 tỷ đồng), VIX (-145 tỷ đồng), MSN (-54 tỷ đồng), … Ở chiều ngược lại, tập trung mua ròng ở các mã như EIB (+70 tỷ đồng), HAH (+64 tỷ đồng), VRE (+57 tỷ đồng), …