Độ rộng trên HoSE tiêu cực với 205 mã giảm điểm (2 mã giảm sàn), 171 mã tăng điểm (17 mã tăng trần) và 68 mã giữ giá tham chiếu.
HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,08%) về 206,76 điểm, độ rộng tiêu cực với 823 mã giảm giá (3 mã giảm sàn), 69 mã tăng giá (6 mã tăng trần) và 74 mã giá tham chiếu.
Thông tin điểm nhấn trong phiên là ngày 23/4/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thời gian triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (24/4) đến hết ngày 30/6/2024.
Điều này đã có tác động tích cực đến diễn biến chung của nhiều mã cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, nhưng ở mức độ phân hóa mạnh, cụ thể với nhóm ngân hàng như TCB (+2,79%),TPB (+1,33%), MBB (+1,11%) tăng, trong khi nhiều mã vẫn chịu áp lực giảm điểm như LPB (-1,83%), BID (-1,13%),SHB (-0,97%). Nhóm bất động sản với IJC (+3,46%), NVL (+3,31%), NLG (+3,28%), HDG (+3,08%)... tăng, trong khi DIG (-1,17%), L14 (-0,62%) giảm...
Nhóm vốn hoá lớn VN30 giao dịch cân bằng với số mã tăng và giảm tương đương nhau, tăng tốt có NVL, TCB, POW tăng lần lượt 3,2%; 2,8% và 1,6%. Chiều ngược lại, các mã MSN giảm 4,1%, GAS giảm 2,4%, MWG giảm 2,3%.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ có diễn biến tiêu cực hơn khi MSN (-4,06%), FRT (-2,74%), MWG (-2,29%). DGW (-1,60%)...
Trong khi đó, ở các nhóm vốn hoá nhỏ, có nhiều cổ phiếu đóng cửa sắc tím như HQC, KMR, HTN,NAF, BCG, DBD, DHG, DHT, PPC, GEG…
Nhóm chứng khoán có sự chốt lãi ở các mã đã tăng mạnh như VCI, CTS, BSI, FTS, trong khi chuyển đà tăng sang các mã đang có định giá P/B dưới 1 như VIX tăng 3,74%, PSI tăng 7,69%, VDS tăng 6,86%, BVS tăng 2%…
Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng 240 tỷ đồng trên 2 sàn, đứng đầu danh sách mua ròng là MSB hơn 346 tỷ đồng, HPG được mua ròng 120 tỷ đồng. Ngược lại, MSN bị bán ròng 31 tỷ đồng, SSI bị bán ròng 24 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán SHS nhận định, thị trường tiếp tục suy yếu trong phiên đầu tuần khi VN-Index giảm -1,55 điểm (-0,15%) và đóng cửa ở 1.041,36 điểm, với trạng thái hiện tại VnIndex đã thoát khỏi kênh tăng ngắn hạn và nằm dưới đường MA20. Với trạng thái hiện tại, xét theo góc nhìn ngắn hạn VN-Index vẫn có thể trở lại xu hướng tăng nếu chỉ số này có những nỗ lực phục hồi trong các phiên tới, trong trường hợp thị trường tiếp tục xấu đi thì khả năng duy trì xu hướng tăng ngắn hạn sẽ không còn được duy trì.
Trong ngắn hạn rủi ro mất kênh tăng đang gia tăng nhưng không quá bi quan bởi thị trường vẫn đang duy trì được xu hướng tích lũy trung hạn chặt chẽ.