Tài chính - Chứng khoán
VN-Index ngược dòng thế giới; Khối ngoại mua ròng chậm lại; VSD sắp sang trang mới
Tùng Linh - 18/12/2022 16:09
Khối ngoại duy trì chuỗi mua ròng 20 phiên liên tục, đồng thời, cũng là tuần thứ 6 mua ròng liên tiếp. Tuy nhiên, giá trị mua ròng thấp hơn đáng kể so với hai tuần trước.

Ngược dòng thế giới trong tuần bão thông tin

VN-Index khép lại một tuần tăng nhẹ 0,67 điểm (+0,06%) lên 1.052,48 điểm trong bối cảnh xuất hiện nhiều sự kiện trong và ngoài nước. Chỉ số sàn UPCoM cũng tăng 0,59 điểm lên 72,19 điểm. Riêng HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,8%) xuống 212,99 điểm.

Nguyên nhân chính khiến HNX-Index sụt giảm là đà lao dốc của cổ phiếu của THD với mức giảm gần 17%, xuống mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây. Chỉ riêng cổ phiếu này đã khiến HNX-Index giảm hơn 2 điểm. Quy mô vốn hoá của Thaiholdings “bốc hơi” 2.485 tỷ đồng chỉ trong một tuần.

Cổ phiếu bất động sản cũng là yếu tố kéo lùi chỉ số sàn HoSE. Top 3 cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số là họ nhà Vingroup, lần lượt là VIC, VRE, VHM. Trong đó cổ phiếu Vingroup giảm tới 13,9%, góp 8,6 điểm điểm giảm.

Ở chiều ngược lại, nhóm nguyên vật liệu, hàng không, ngân hàng, cùng cổ phiếu bán lẻ là những động lực chính kéo chỉ số chung đi lên. Cổ phiếu thép với phiên bùng nổ cuối cùng cổ phiếu thuộc ngành hóa chất, phân đạm cũng đóng góp tích cực. Cổ phiếu hàng không cũng là điểm sáng tuần này. HVN nằm trong top 5 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần (+28,5%). Sắc xanh cũng áp đảo ở nhóm ngân hàng. Cùng với HVN, VCB và VPB là hai cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index.

Chứng khoán Việt Nam nằm trong số ít thị trường ngược dòng trong tuần "bão" tin tức

Tuần qua, thị trường đón nhận các thông tin quan trọng từ các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, gồm Mỹ, Anh và châu Âu. Cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng phạm vi lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản như các dự báo trước đó, lên khoảng 4,25 - 4,5% - mức cao nhất kể từ tháng 12/2007. Tín hiệu phát đi từ cuộc họp cho thấy giới chức Fed “diều hâu” hơn khi nghiêng về khả năng lãi suất năm 2023 có thể ở khoảng 5% - 5,25%. Tương tự, ECB và Ngân hàng trung ương Anh đều nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.

Chứng khoán Mỹ cùng nhiều thị trường chủ chốt phản ứng khá tiêu cực sau quyết định của các ngân hàng trung ương toàn cầu. VN-Index dù chỉ tăng khá khiêm tốn nhưng lại nằm trong số ít thị trờng ngược dòng đi lên, đồng thời, cũng nằm trong top 10 sàn chứng khoán giao dịch tích cực tuần qua. Chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong thị trường tăng điểm mạnh nhất trong một tháng trở lại đây.

Khối ngoại mua ròng hơn 9.500 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 12

Tuy nhiên, giá trị giao dịch tuần qua lại giảm khá mạnh. Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch bình quân đạt 14.242,56 tỷ đồng/phiên, giảm 18,10% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân sàn HNX đạt 1.379,57 tỷ đồng/phiên, giảm 26,49% so với tuần trước.

Tính đến ngày 16/12, khối ngoại đã kéo dài chuỗi mua ròng lên tròn 20 phiên. Đến nay, khối ngoại cũng đã có tuần mua ròng thứ sáu liên tiếp. Dù vậy, giá trị mua ròng đã giảm đáng kể, đạt 1.879,4 tỷ đồng.

Xét theo khối lượng ròng, VND là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 16,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là NVL và SSI với lần lượt 15 triệu và 8,4 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, VNM lại là mã bị khối ngoại bán ra nhiều nhất.

Về giá tị giao dịch, cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất gồm NVL (277,8 tỷ đồng), VND (256 tỷ đồng), VHM (176,4 tỷ đồng), SSI (167,1 tỉ đồng), HPG (155,5 tỷ đồng). Ngược lại, họ bán ròng mạnh VNM (-476,8 tỷ đồng), MSN (-142,2 tỷ đồng), VRE (-138,6 tỷ  đồng), VIC (-106 tỷ đồng), KDH (-46,2 tỷ đồng).

Trong nửa đầu tháng 12, khối ngoại tiếp tục giải ngân thêm hơn 9.500 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tháng liền trước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã xác lập lượng giao dịch kỷ với tổng cộng 714 triệu cổ phiếu được mua ròng, tương ứng giá trị 16.911 tỷ đồng. Đây là mức mua ròng trong tháng cao nhất nếu không kể tháng 5/2018 với giao dịch mua thỏa thuận tỷ đô với riêng cổ phiếu VHM.

Thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam vốn 1.000 tỷ đồng

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 26/2022/QĐ-TTg ngày 16/12/2022 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam được thành lập trên cơ sở chuyển đổi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hạch toán độc lập, thực hiện chế độ tài chính, chế độ báo cáo thống kê, kế toán, kiểm toán, công bố thông tin, và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Tên giao dịch quốc tế của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam là Viet Nam Securities Depository and Clearing Corporation (VSDC). VSDC có trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

VSDC kế thừa tất cả quyền lợi, trách nhiệm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Lùi thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP thêm một năm, cho phép gia hạn kỳ hạn trái phiếu 2 năm

Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65, từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024. Nghị định 65 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép giãn thời gian thực hiện một năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại nghị định 65.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Việc gia hạn phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu lưu hành chấp thuận.

Tin liên quan
Tin khác