Tài chính - Chứng khoán
VN-Index thất bại trước ngưỡng 1.350 điểm; cổ phiếu ngân hàng “gánh” thị trường
Thanh Thuỷ - 16/09/2021 19:44
Với diễn biến giao dịch giằng co, VN-Index từng có thời điểm rơi sâu xuống 1.341 điểm lúc 14h15p nhưng vẫn kịp đóng cửa trong sắc xanh tăng nhẹ 0,04 điểm lên 1.345,78 điểm.
Khối ngoại bất ngờ bán mạnh cổ phiếu Vingroup

VN-Index một lần nữa thất bại trước ngưỡng tâm lý 1.350 điểm

Đà tăng của phiên liền trước đã giúp VN-Index mở đầu phiên sáng đầy tích cực khi vọt tăng lên 1.353 điểm ngay ở phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa (ATO). Dù vậy, đây lại là mức điểm cao nhất trong phiên của chỉ số sàn HoSE. Với diễn biến giao dịch giằng co, VN-Index từng có thời điểm rơi sâu xuống 1.341 điểm lúc 14h15p nhưng vẫn kịp đóng cửa trong sắc xanh tăng nhẹ 0,04 điểm lên 1.345,78 điểm.

Trái với các phiên giao dịch gần đây, nhóm VNSmallcap đã hạ nhiệt đáng kể. Chỉ số VNSML-Index quay đầu giảm -0,24%. Đến cuối phiên, rổ VNSmallCap có 69 cổ phiếu tăng giá, 17 cổ phiếu tăng trần nhưng cũng có tới 83 mã giảm giá và 3 mã giảm kịch biên độ. Một số cổ phiếu nhóm vốn hoá nhỏ đã tăng “nóng” thời gian qua đã quay đầu giảm như APG, AGM.

Trong khi đó, VN30-Index và VNMid-Index tăng 0,29% và 0,16%, “đỡ” chỉ số chung tăng điểm. Tương tự chỉ số sàn HoSE, HNX-Index và UPCoM-Index cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, lần lượt tăng 0,71% và 0,46%. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ nhưng vẫn xấp xỉ 1 tỷ USD.

Sàn chứng khoán VIệt Nam tiếp tục duy trì được sắc xanh

Không nhiều thị trường châu Á đóng cửa trong sắc đỏ ở phiên 16/9. Hai sàn chứng khoán của Trung Quốc gồm sàn Thượng Hải và Thâm Quyến giảm lần lựt 1,34% và 1,91%.  Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc sẽ không thể trả lãi vay đến hạn vào ngày 20/9, cơ quan quản lý nhà ở của Trung Quốc mới đây đã thông báo cho các ngân hàng lớn. Sự xuất hiện của các đợt nhiễm Covid-19 dù lẻ tẻ nhưng cũng dấy lên mối lo ngại về triển vọng phục hồi của nền kinh tế này. Không riêng các sàn chứng khoán Trung Quốc đỏ lửa,  chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) cũng giảm 0,62% hay Kospi của chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm 0,74%.

Dòng cổ phiếu ngân hàng đã lấy lại sắc, cổ phiếu Vingroup bất ngờ bị bán mạnh  

Các cổ phiếu vốn hoá lớn giao dịch phân hoá khiến VN-Index tiếp tục không vượt được ngưỡng tâm lý 1.350 điểm. Các cổ phiếu ngành ngân hàng đã hồi phục sau chuỗi dài điều chỉnh. Dù mức tăng chưa có sự bứt phá nhưng hầu hết các cổ phiếu dòng này đều đóng cửa trong sắc xanh. SHB tăng mạnh nhất (+1,95%) và là đầu tàu kéo HNX-Index tăng điểm.

SHB hiện là tổ chức niêm yết có quy mô lớn thứ hai của sàn HNX. Biến động giá cổ phiếu này vì vậy thường tác động mạnh đến chỉ số. Tuy nhiên, ngày chuyển sàn của SHB cũng đang tới gần. Hồ sơ niêm yết sàn HoSE đã được nhà băng này gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cách đây một năm. Thông báo mới đây từ HoSE cho biết SHB đã cập nhật đầy đủ hồ sơ đăng ký niêm yết theo quy định. 

Còn trên sàn HoSE, đầu tàu kéo VN-Index tăng điểm lại là MSN. Cổ phiếu của đại gia ngành bán lẻ - hàng tiêu dùng trên vừa tăng kịch biên độ phiên hôm qua nay tiếp tục tăng 3,38% để xác lập đỉnh giá mới (149.800 đồng/cổ phiếu). Nhóm ngân hàng vẫn là dòng cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào phiên tăng điểm này với 5/10 cổ phiếu nằm trong top 10 tác động tích cực lên VN-Index (VCB, VPB, BID, CTG). Ngoài sự phục hồi của dòng ngân hàng, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giao dịch tích cực khi tiếp tục giữ được xu hướng tăng. Giá dầu thế giới tiếp tục tăng sau khi báo cáo của EIA và API về số liệu hàng tồn kho thô đều cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến ​​trong khi kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ tăng lên.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của hai ông lớn bất động sản Vingroup và Vinhomes là yếu tố tác động tiêu cực nhất đến thị trường khi lần lượt giảm 3,94% và 2,2%, đóng góp 3,5 điểm giảm và 1,57 điểm giảm cho chỉ số chung. Lực cung của khối ngoại khiến cổ phiếu này có một phiên giao dịch đỏ lửa.  Khối lượng giao dịch tăng vọt, trong đó khối ngoại mua vào 3,9 triệu đơn vị nhưng bán ra tới 16,84 triệu đơn vị. Giá trị chuyển nhượng cổ phiếu trong phiên xấp xỉ 1.338 tỷ đồng, riêng khối ngoại đã bán ròng 1.144 tỷ đồng.

VIC là cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất trong phiên, đồng thời, là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng lớn nhất. Tương tự, cổ phiếu của Digiworld cũng có một phiên giảm mạnh (-6,6%) sau khi khối ngoại bán ròng tới 83 tỷ đồng.

Dù các nhà đầu tư ngoại tích cực giải ngân vào VRE (78 tỷ đồng), QNS (49 tỷ đồng) hay MSN (47 tỷ đồng), bên bán vẫn áp đảo. Trên ba sàn, khối ngoại bán ròng tổng cộng 1.270 tỷ đồng, kéo dài chuỗi bán ròng lên 14 phiên liên tục. Đây cũng là mức bán ra mạnh nhất từ 18/8.

Tin liên quan
Tin khác