Thành công vượt 1.200
Trái với tuần giao dịch trước khi VN-Index đã tiến sát ngưỡng tâm lý 1.200 điểm rồi quay đầu, chỉ số sàn HoSE đã băng lên vượt mốc nhờ sức bật mạnh của phiên 28/7.
Sau quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) như dự báo của nhiều chuyên gia, nhiều chỉ số chứng khoán trên thế giới cũng có một phiên hồi phục mạnh. Đây cũng là phiên giao dịch VN-Index bứt khỏi mốc 1.200 và cải thiện mạnh về thanh khoản.
Dù điều chỉnh vào cuối phiên thứ Sáu, ngưỡng tâm lý này vẫn được giữ vững. VN-Index kết tuần ở mức 1.206,3 điểm, tăng 11,6 điểm (+0,97%) trong tuần qua. Tổng khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HoSEđạt 515,39 triệu đơn vị/phiên, giảm 5,00% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 11.956,05 triệu đơn vị/phiên, tăng 0,22% so với tuần trước.
VN-Index vượt qua ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong tuần cuối tháng 7 |
Cũng chung diễn biến với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, HNX-Index lại giảm nhẹ 0,22 điểm (-0,08%) so với cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 63,92 triệu đơn vị/phiên, giảm 5,83% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.412,55 triệu đơn vị/phiên, tăng 6,53% so với tuần trước. Chỉ số UPCoM tăng 0,87% với 4/5 phiên đóng cửa trong sắc xanh.
Hai nhóm cổ phiếu đứng đầu về quy mô vốn hoá là ngân hàng và bất động sản giao dịch khá phân hoá. Trên sàn HoSE, VCB, BID cùng một số cổ phiếu ông lớn ngân hàng tư nhân như STB, TCB, VPB đều nằm trong top 10 đóng góp nhiều nhất cho đà tăng của VN-Index tuần này. VCB với mức tăng hơn 3% là cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất (+2,65 điểm tăng). Trong khi đó, NVB là đầu tàu kéo HNX-Index giảm.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như BCM trên sàn HoSE hay IDC trên sàn HNX lại góp điểm tăng đáng kể cho chỉ số. Còn trên sàn UPCoM, trụ cột góp sức nhiều nhất cho đà tăng của chỉ số là ACV. Kết quả kinh doanh của ACV ngoài hưởng lợi từ sự hồi phục của ngành hàng không sau khi nền kinh tế mở cửa còn “lợi kép” từ diễn biến đồng Yên – loại ngoại tệ chính trong các khoản vay của tổng công ty này. Đà hồi phục của cổ phiếu ACV đã kéo dài suốt gần một tháng trở lại đây. Hiện cổ phiếu ACV giao dịch ở mức 87.000 đồng/cổ phiếu, tăng 14% từ mức đáy gần một năm giao dịch hôm 22/6.
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng tuần này với giá trị khá lớn (1.234 tỷ đồng). Trong đó, phần lớn liên quan đến giao dịch thoả thuận cổ phiếu KDC. Hơn 15 triệu cổ phiếu KDC đã được chuyển nhượng với giá trị trên 976 tỷ đồng. Bên bán ra nhiều khả năng chính là Kido do công ty này đang triển khai đợt bán cổ phiếu quỹ.
Một số cổ phiếu khác cũng được khối ngoại giải ngân mạnh gồm SSI (+257 tỷ đồng), STB (+134 tỷ đồng), KBC (+130 tỷ đồng)… Trong khi đó, HPG lại dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu bị khối ngoại “xả hàng”. Các nhà đầu tư này đã bán ròng mạnh cổ phiếu HPG, NVL thu về lần lượt 352 tỷ đồng và 308 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính hé lộ về thời điểm hệ thống KRX vận hành
Tại buổi buổi gặp mặt các thành viên thị trường để ghi nhận sự đóng góp vì sự phát triển của thị trường chứng khoán, tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) hôm 28/7, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định hệ thống KRX đang được cấp tốc triển khai. Cập nhật tình hình mới nhất, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết các thành viên có thể tin tưởng vào thời hạn vận hành chính thức chỉ còn tính theo tháng. Cũng theo ông Chi, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ TTCK phát triển.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh vấn đề hệ thống công nghệ cho thị trường phải đảm bảo tính liên tục, cập nhật, hiện đại. Bộ Tài chính vì vậy cũng đang nghiên cứu, đề xuất để xây dựng thêm các dự án công nghệ khác, đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài của thị trường trong tương lai.
Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ xử lý rất nghiêm các trường hợp sai phạm trên thị trường để thị trường chứng khoán có một môi trường hoạt động lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện cho các thành viên, doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai hàng loạt giải pháp về hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thêm hàng hóa mới, chất lượng, thúc đẩy tiến trình nâng hạng,…
Sai lệch giữa báo cáo kiểm toán và tự lập, OCH nhận phạt 150 triệu đồng
Cũng trong tuần qua, cơ quan quản lý đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với một trường hợp là Công ty cổ phần One Capital Hospitality. Tổng mức phạt tiền là 210 triệu đồng. Đáng chú ý, công ty này bị phạt nặng vì công bố thông tin sai lệch với khoản chênh lệch lớn giữa báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo tài chính tự lập.
“Công ty cổ phần One Capital Hospitality qua xem xét cho thấy, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của Công ty trước kiểm toán là lãi 5,7 tỷ đồng tại Báo cáo tài chính công ty mẹ quý 4 năm 2021 và lỗ 76,8 tỷ đồng tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2021. Tuy nhiên, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của Công ty là lỗ 387,8 tỷ đồng tại Báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ năm 2021 và lỗ 467,5 tỷ đồng tại Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021”, quyết định của UBCKNN nêu.
Ngoài phạt tiền, cơ quan quản lý còn yêu cầu OCH buộc cải chính thông tin đối với hành vi công bố thông tin sai lệch theo quy định.
Cùng đó, OCH còn chịu mức phạt tiền 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Trong công văn giải trình, lãnh đạo công ty cho biết sự chậm trễ trên là do công ty thực hiện các công việc có liên quan bao gồm rà soát, kiểm toán lại các số liệu, thực hiện trích lập dự phòng bổ sung các khoản công nợ. Tại cuộc họp cổ đông tổ chức cuối tháng 4/2022, hội đồng quản trị OCH cũng đã trình và được cổ đông phê duyệt việc không thông qua báo cáo tài chính năm 2021 và kế hoạch lựa chọn đơn vị kiểm toán để thực hiện rà soát và kiểm toán lại báo cáo tài chính. Tuy nhiên, sự trì hoãn và loạt thay đổi trên báo cáo tài chính đã khiến công ty chịu mức phạt hành chính khá nặng. Đồng thời, cổ phiếu OCH hiện chỉ được giao dịch tại phiên thứ Sáu và vẫn chưa được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho giao dịch bình thường trở lại.