VNG bất ngờ cho biết tạm hoãn công bố Báo cáo tài chính giữa niên độ được kiểm toán cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2023 và không nêu lý do cụ thể.
Được biết, theo quy định, thời điểm cuối tháng 8/2023 là hạn chốt nộp Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2023.
Thực tế, Công ty VNG đã có lịch sử chậm nộp Báo cáo kiểm toán. Trong đó, Báo cáo kiểm toán năm 2022 được Công ty công bố ngày 29/5/2023, lý do là vì Công ty đang thực hiện song song báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).
Trong khi đó, VNG là Tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước khác trên thế giới. VNG hiện có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài (gồm thị trường Đông Nam Á, Hong Kong, Trung Quốc và Australia) với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.
Vì vậy, để đảm bảo số liệu của Báo cáo tài chính thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán trong và ngoài nước, phía VNG cho biết cần nhiều thời gian hơn để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận thông tin cho báo cáo tài chính.
VNG muốn phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP với giá chỉ từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/cổ phiếu
Trước đó, Công ty VNG công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian xin ý kiến trong tháng 9/2023. Trong đó, Công ty trình cổ đông kế hoạch phát hành 1.002.536 cổ phiếu ESOP cho thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc, và nhân sự chủ chốt của Công ty; thời gian dự kiến triển khai từ quý IV/2023 đến quý I/2024; và cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ khi phát hành.
Điểm đáng lưu ý, trong hơn 1 triệu cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành, Công ty dự kiến phát hành 389.296 cổ phiếu với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 97,4% so với giá thị trường ngày 7/9; và phát hành 613.240 cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 99,1% so với giá đóng cửa ngày 31/8 (cổ phiếu VNZ đóng cửa ngày 7/9 với giá 1.160.000 đồng/cổ phiếu).
Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2027, Công ty VNG cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ đông 1.879.637 cổ phiếu ESOP cho thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm toán, Ban Giám đốc, người lao động chủ chốt của công ty, công ty con, công ty liên kết với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, năm 2024 và năm 2025 sẽ cùng phát hành 450.000 cổ phiếu ESOP; năm 2026 sẽ phát hành 440.000 cổ phiếu ESOP; và năm 2027 sẽ phát hành 539.637 cổ phiếu ESOP.
Tổng giám đốc Lê Hồng Minh vừa thoái ra gần 1 triệu cổ phiếu VNZ để thu về khoảng 1.116,6 tỷ đồng
Về biến động cổ đông, ngày 22/8, ông Lê Hồng Minh, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc vừa bán ra 983.783 cổ phiếu VNZ để giảm sở hữu từ 12,27%, xuống còn 8,85% vốn điều lệ.
Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 22/8 là 1.135.000 đồng/cổ phiếu, ước tính Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh đã thu về số tiền lên tới 1.116,6 tỷ đồng khi thoái ra 983.783 cổ phiếu.
Ngược lại, cũng trong ngày 22/8, CTCP Công nghệ BIGV vừa mua vào 983.783 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 17,84%, lên 21,26% vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu, VNG tiền thân là Công ty VinaGame - được thành lập từ năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng. Những cổ đông sáng lập ban đầu bao gồm ông Lê Hồng Minh là Founder & CEO của VNG; ông Vương Quang Khải là Co-founder.
Trước đó, VNG cũng liên tục biến động cổ đông lớn. Trong đó, VNG Limited bán ra 3.483.048 cổ phiếu VNZ để giảm sở hữu từ 61,12% về 49% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 2/8.
Ở chiều ngược lại, ngày 3/8, Công ty cổ phần Công nghệ BigV mua thêm 1.741.524 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 11,78%, lên 17,84% vốn điều lệ; và ngày 28/7, BigV đã mua 1.741.524 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 5,72% lên 11,78% vốn điều lệ.
Như vậy, khối lượng mà Công ty cổ phần công nghệ BigV mua vào trong ngày 28/7 và ngày 3/8 bằng lượng cổ phiếu mà VNG Limited thực hiện bán ra trong ngày 2/8.
Quay trở lại các giao dịch thỏa thuận gần đây trên sàn, ngày 26/7 xuất hiện giao dịch thỏa thuận 1.741.524 cổ phiếu VNZ với giá trị 1.091,6 tỷ đồng (bằng khối lượng mà Công ty cổ phần Công nghệ BigV vừa thông báo mua vào); ngày 1/8, tiếp tục có thêm một giao dịch thỏa thuận 1.732.343 cổ phiếu VNZ, giá trị giao dịch là 1.105,75 tỷ đồng; và ngày 2/8 có thêm 1 giao dịch thỏa thuận 19.181 cổ phiếu VNZ, giá trị giao dịch là 12,23 tỷ đồng.
Sau 6 quý lỗ liên tiếp, VNG đã có lãi trở lại trong quý II/2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, VNG ghi nhận doanh thu đạt 2.245,9 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 100,29 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 265,48 tỷ đồng, tức tăng thêm 365,77 tỷ đồng.
Được biết, trước đó, từ quý IV/2021 đến quý I/2023, VNG liên tục ghi nhận lỗ. Như vậy, sau 6 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ, Công ty đã có lãi trở lại.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 25,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 223,9 tỷ đồng, lên 1.099,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 44,9%, tương ứng giảm 19,91 tỷ đồng, xuống 24,4 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 10,2 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 76,2 tỷ đồng, lên 83,67 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tiếp tục ghi nhận lỗ 22,14 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 47,34 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 17,8%, tương ứng giảm 195,15 tỷ đồng, xuống 898,66 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý II, Công ty có lãi trở lại chủ yếu do lợi nhuận gộp tăng, đồng thời tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, VNG ghi nhận doanh thu đạt 4.098,4 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lãi 59,79 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 281,41 tỷ đồng, tức tăng thêm 341,2 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2023, VNG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2022 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là âm 378 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 1.077,1 tỷ đồng).
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023 với việc ghi nhận lãi 59,79 tỷ đồng, VNG đã vượt kế hoạch lỗ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/9/2023, cổ phiếu VNZ giảm 65.500 đồng, về 1.160.000 đồng/cổ phiếu.