Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 của VNPT, trong nửa đầu năm nay, VNPT đạt doanh thu 54.238 tỷ đồng, lợi nhuận 4.418 tỷ đồng.
Như vậy, so với mục tiêu cả năm đạt doanh thu 131.600 tỷ đồng và lợi nhuận 9.255 tỷ đồng, thì VNPT đạt 41% về doanh thu và 48% về lợi nhuận.
| ||
So với mục tiêu cả năm 2013, VNPT đạt 41% doanh thu và 48% lợi nhuận. |
Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm, Viettel đã đạt doanh thu tới 72.638 tỷ đồng.
Mức doanh thu này chưa đạt 50% kế hoạch năm 2013 (là 160.000 - 170.000 tỷ đồng), nhưng đã vượt VNPT tới 18.400 tỷ đồng, một khoảng cách khá lớn.
Ngay từ đầu năm, trong khi VNPT đặt mục tiêu doanh thu năm 2013 hơn 131.000 tỷ đồng, thì Viettel đã đặt mức doanh thu cao hơn rất nhiều, tới 160.000 - 170.000 tỷ đồng.
Mức doanh thu trên dựa vào doanh thu năm 2012 và dự kiến tăng trưởng của cả hai tập đoàn này. Năm 2012, Viettel đã đạt doanh thu 140.000 tỷ đồng và 27.000 tỷ đồng lợi nhuận, so với mức doanh thu 130.000 tỷ đồng và lợi nhuận 8.500 tỷ đồng của VNPT. Lần đầu tiên sau nhiều năm, doanh thu của Viettel vượt VNPT và có mức lợi nhuận gấp hơn 3 lần so với VNPT.
Chính vì vậy, cuộc đua ngầm giữa hai “đại gia” này càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. VNPT muốn giành lại vị trí dẫn đầu thị trường đã được duy trì trong nhiều năm, trong khi Viettel muốn củng cố để khẳng định vị thế mới của mình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về doanh thu giữa VNPT và Viettel. Theo nhận định của ông Phạm Long Trận, Chủ tịch VNPT, doanh thu của VNPT sụt giảm là do tình hình kinh tế khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.
Rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, nên đã tác động rất lớn cho doanh thu của VNPT. Bên cạnh đó, mạng điện thoại cố định từng là mạng chủ lực mang nhiều doanh thu cho VNPT, thì nay đang giảm mạnh cả về thuê bao lẫn doanh thu.
Theo kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNPT do Thanh tra Chính phủ thực hiện và công bố kết quả mới đây, công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản của VNPT còn nhiều thiếu sót, sai phạm trong đầu tư mua sắm và đầu tư tài chính.
Đặc biệt trong công tác đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp, gây thất thoát và lãng phí. Bên cạnh đó, các đơn vị hạch toán phụ thuộc VNPT đã bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, thiếu tự chủ trong kinh doanh, đánh giá thiếu chính xác, khách quan về hiệu quả kinh doanh và quản lý sử dụng vốn, tài sản.
Một cựu lãnh đạo của VNPT cũng đã chỉ ra những điểm yếu chết người khiến VNPT tụt dốc là tư duy quan liêu bao cấp vẫn còn nặng nề, tư duy độc quyền của VNPT đã khiến họ chậm chuyển mình. Song song với đó là cơ chế về tiền lương và kiểm soát tài chính chưa chặt chẽ và hiệu quả.
Cũng chính vị này đã chỉ ra hai điểm mạnh của Viettel: bản lĩnh người lính trong kinh doanh và chiến lược đi sâu đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật trong ngành viễn thông. Viettel đã đi sâu phát triển công nghệ chiếm lĩnh thị trường nông thôn rộng lớn của Việt Nam, làm bàn đạp vươn ra các nước.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cao cấp, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, hai nguyên nhân chính giúp Viettel vươn lên mạnh mẽ là việc tập đoàn này có đội ngũ lãnh đạo năng động, cập nhật những tiêu chuẩn và những mô hình quản lý của thế giới.
Còn với VNPT, ông Phong cho rằng, VNPT bị ảnh hưởng doanh thu do mạng điện thoại cố định giảm là hoàn toàn đúng. Để phát triển, VNPT cần phải phát triển mạnh hơn những lợi thế của mình, cụ thể là mạng Internet. Internet là điểm mạnh của VNPT, nhưng lâu nay không được đầu tư, nâng cấp phát triển, nên thị phần dần bị các đơn vị khác chiếm lĩnh.
Có thể thấy, chiến thắng trong ngắn hạn chắc chắn thuộc về Viettel. Tuy nhiên, việc ai chiến thắng trong cuộc đua giành ngôi vị dẫn đầu thị trường viễn thông Việt Nam trong 3 - 5 năm nữa có thể vẫn là một ẩn số, bởi VNPT có thể sẽ có nhiều thay đổi sau quá trình tái cấu trúc hiện nay.
Hữu Tuấn