Bà Myriam Ferran, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quan hệ đối tác quốc tế (Ủy ban châu Âu). |
Bà có thể chia sẻ một số ngành tại Việt Nam đang thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư và doanh nghiệp châu Âu?
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai lĩnh vực chiến lược bao trùm trong cam kết của EU đối với các nước đối tác. Các khoản đầu tư tập trung vào những mục tiêu này cho phép EU thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và môi trường bền vững, công bằng, chuyển giao công nghệ và phát triển lực lượng lao động lành nghề. Khu vực tư nhân châu Âu ngày càng hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam cũng góp phần tạo ra giá trị, hỗ trợ việc làm và tăng trưởng cho Việt Nam.
Năng lượng là lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác của EU với Việt Nam, đặc biệt sau khi thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) vào năm 2022. Quan hệ đối tác này nhằm huy động 15,5 tỷ euro (17,3 tỷ USD) để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam, với một phần đáng kể đến từ khu vực tư nhân.
EU, cùng Ngân hàng Đầu tư châu Âu và các quốc gia thành viên, sẽ đóng góp hơn 2,8 tỷ euro (3,1 tỷ USD) tài trợ và khoản vay cho quan hệ đối tác, góp phần thúc đẩy đáng kể các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Điều này thể hiện cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với các mục tiêu đề ra.
EU đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược Global Gateway tại Việt Nam. Chiến lược này đóng vai trò thế nào trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam, thưa bà?
Global Gateway là chiến lược đầu tư của EU nhằm thúc đẩy các kết nối thông minh, sạch và an toàn trong các lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng và giao thông, đồng thời tăng cường hệ thống y tế, giáo dục và nghiên cứu trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Global Gateway tìm cách huy động đầu tư chất lượng vào hạ tầng thông minh để kết nối Việt Nam với thị trường toàn cầu, đẩy nhanh quá trình hội nhập ASEAN. Sáng kiến này cũng mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam khi xây dựng các kỹ năng xanh và kỹ thuật số, giúp Việt Nam khai phá toàn bộ tiềm năng của mình để đáp ứng các thách thức và cơ hội trong tương lai.
Đầu tư vào chuyển đổi năng lượng bền vững, chuyển giao kiến thức và công nghệ cũng đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn carbon thấp, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo việc làm.
Global Gateway phù hợp với các giá trị, chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với các đối tác, chúng tôi thiết kế các dự án toàn diện và minh bạch, tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường, tài chính, xã hội và lao động.
Được cung cấp thông qua cách tiếp cận “Team Europe”, Global Gateway tập hợp EU, các quốc gia thành viên cũng như các tổ chức tài chính và tổ chức phát triển của EU để tạo ra tác động chuyển đổi. Một dự án tiêu biểu ở Việt Nam là Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái, gồm 4 tổ máy, công suất 1.200 MW. Dự án này giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết trung hòa carbon và loại bỏ dần việc sử dụng than đá trong sản xuất năng lượng.
Làm thế nào các công ty châu Âu có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển bền vững?
Các công ty châu Âu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam khi đem đến các khoản đầu tư, chuyên môn và phát triển kỹ năng.
Thông qua Global Gateway, công ty châu Âu có thể chia sẻ bí quyết của EU trong chuyển giao các công nghệ xanh, như năng lượng tái tạo, thiết bị tiết kiệm năng lượng và thực hành nông nghiệp bền vững, đồng thời đào tạo và xây dựng năng lực để nâng cao chuyên môn trong nước cũng như đầu tư vào các dự án xanh.
Ngoài ra, các công ty châu Âu có thể hợp tác nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các tiêu chuẩn môi trường quốc tế và cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính xanh. Bằng cách hỗ trợ các công ty Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bền vững và ủng hộ các chính sách môi trường mạnh mẽ hơn, các công ty châu Âu có thể đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.