Doanh nghiệp
Vốn FDI đổ vào nhà máy mới
Thế Hoàng - 22/10/2019 09:27
Nhà sản xuất găng tay bảo hộ hàng đầu Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động nhà máy đầu tiên tại Việt Nam trong quý I/2021.
Việt Nam đang là điểm đầu tư của nhiều doanh nghiệp da giày nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh

Khẩn trương xuống vốn

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án 200 triệu USD tại Khu công nghiệp Phong Điền Viglacera đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao cho Công ty TNHH Kanglongda để triển khai nhà máy sản xuất đầu tiên tại Việt Nam.

Kanglongda sẽ đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy có quy mô 35 ha. Nhà máy sẽ sản xuất các sản phẩm như găng tay sử dụng một lần (găng tay bảo hộ cho ngành điện tử, găng tay y tế), sợi polyethylene và dự kiến đi vào vận hành trong quý I/2021.

Ông Zhang Jian Fang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kanglongda cho hay, nhà máy đầu tiên tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển và mở rộng thị trường của công ty mẹ.

Một doanh nghiệp khác cũng từ Trung Quốc mang vốn đến Việt Nam lập nhà máy sản xuất là Công ty TNHH Giày Mega Surplus Việt Nam, được tỉnh Vĩnh Long cấp phép đầu tư hồi đầu tháng 7/2019.

Một trong những lợi thế cạnh tranh khác của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI là chi phí lao động tương đối thấp, đặc biệt khi so với Trung Quốc và Thái Lan. Hiện mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ bằng 38 - 54% so với mức của Trung Quốc, Thái Lan.

Theo đó, công ty này sẽ đầu tư nhà máy sản xuất giày xuất khẩu tại Vĩnh Hòa, Tân Ngãi, Vĩnh Long, chuyên sản xuất giày xuất khẩu cho thương hiệu Adidas. Động thái này được cho là nhằm mở rộng thị trường nước ngoài và tăng khả năng cung cấp sản phẩm của Mega Surplus ra toàn cầu.

Trong khi đó, Xin Long, một tập đoàn da giày lớn của Trung Quốc, cũng vừa khởi công Nhà máy Giày xuất khẩu tại Nông Cống (Thanh Hóa). Dự án do Công ty TNHH Giày Kim Việt - Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Xin Long làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, công suất 900.000 sản phẩm/năm. Dự án này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 2/2020.

Theo các nhà phân tích, động lực thúc đẩy những công ty Trung Quốc tích cực đầu tư ra nước ngoài là do chi phí nhân công tại Trung Quốc không còn rẻ như trước và nhu cầu mở rộng thị trường ra nước ngoài để tránh tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Điểm mặt dòng vốn

Việt Nam đã thu hút 26,16 tỷ USD vốn FDI trong 9 tháng năm 2019, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, với hơn 2 tỷ USD, chiếm 19,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Trung Quốc, với hơn 2 tỷ USD, chiếm 18,4%...

Thực tế cho thấy, thương chiến giữa Mỹ - Trung Quốc đã tạo biến động mạnh mẽ trong thương mại toàn cầu. Điều đó đã khiến các nhà sản xuất phải cân nhắc việc di dời cơ sở sản xuất sang những địa điểm khác nhằm giảm thiểu tác động từ thuế quan tăng.

Với những lợi thế về nhân lực trong ngành dệt may, giày dép, các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… đã nhanh chân đến Việt Nam lập cứ điểm đầu tư sản xuất.

Điểm dễ thấy là các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến các khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng bài bản, có đất sạch, sẵn về logistics để thuận lợi cho việc đầu tư nhà máy và xuất khẩu.

Trong tháng 7/2019, một nhà đầu tư Singapore đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép thành lập Công ty TNHH Fabri-Tech Components Việt Nam để sản xuất các sản phẩm plastic. Nhà máy sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp VISIP Bắc Ninh.

Còn Qisda Corporation (Đài Loan) đã quyết định ký kết hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp Đồng Văn 4 (Hà Nam) trong tháng 8/2019.

Các chuyên gia dự báo giai đoạn 2019 - 2020, các ngành sản xuất và dịch vụ, kể cả bất động sản tại Việt Nam tiếp tục nhận được nguồn vốn dồi dào từ nhà đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan
Tin khác