Hiện tại, rào cản lớn nhất trong thu hút vốn ngoại ở lĩnh vực ngân hàng chính là giới hạn sở hữu tối đa chỉ 30% |
Hấp lực đối với vốn ngoại
Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Hiện một số ngân hàng Việt Nam đã sử dụng gần cạn room của khối ngoại, nhưng bên cạnh đó, không ít nhà băng còn nguyên không gian này do vừa chia tay cổ đông nước ngoài.
Chẳng hạn, Standard Chartered Bank vừa chấm dứt vai trò nhà đầu tư chiến lược sau hơn 12 năm đầu tư tại ACB thì mới đây, nhóm Alp Asia Finance Limited đã trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 10% vốn ngân hàng này.
Hay trước khi niêm yết đầu năm nay, HDBank đã thu hút nhiều quỹ đầu tư và ngân hàng ngoại bao gồm: Credit Saison (Nhật), Deutsche Bank AG (Anh), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund (Anh), AOZORA Bank (Nhật), RWC Frontier Markets Opportunity Master Fund (Anh), Macquarie Bank (Úc), Chalemass (Anh); Dragon Capital (Anh)…
Trong khi đó, Warburg Pincus đầu tư 370 triệu USD để mua cổ phần Techcombank thông qua hai đơn vị thành viên.
Trước sự tăng giá của cổ phiếu ngân hàng và điều kiện thị trường chứng khoán - tài chính năm nay được đánh giá thuận lợi, không chỉ HDB, TCB, TPB mà nhiều ngân hàng khác cũng tiến hành niêm yết sớm trong năm nay hoặc lên giao dịch tại sàn UPCoM. Đây chính là thông tin được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhất là ở những ngân hàng còn dư địa cho room ngoại.
Tại OCB, room cho nhà đầu tư nước ngoài còn 23,66%. Trước đó, đầu năm 2018, cổ đông ngoại BNP Paribas đã thoái toàn bộ 18,68% vốn khỏi Ngân hàng. OCB cho biết, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và dự định hút vốn ngoại trước khi lên sàn.
LienVietPostBank cũng cho biết sẽ niêm yết trên sàn HOSE trước năm 2020. Đồng thời, khi nói đến vấn đề room ngoại, lãnh đạo nhà băng cho hay, sẽ “khóa” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 25% và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có uy tín, có tiềm lực tài chính.
Mong được nới khi hết room
Hiện tại, rào cản lớn nhất trong thu hút vốn ngoại ở lĩnh vực ngân hàng chính là giới hạn sở hữu tối đa chỉ 30%, trong khi một số nhà băng đã dùng cạn.
Tại ACB, room ngoại đã đạt mức tối đa 30%, khối ngoại chỉ có thể gia tăng sở hữu thông qua các giao dịch nội khối. Trong đợt tăng vốn điều lệ từ hơn 11.259 tỷ đồng lên gần 12.886 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối mới đây của ACB, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu Ngân hàng giữ “room” ngoại không vượt 30% khi tăng vốn.
Trong khi đó, VIB chốt room ngoại chỉ 20,5% vì nhà băng này đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Commonwealth Bank of Australia nắm giữ 20%. Với con số này, cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của VIB là khá thấp.
Chưa kể, số lượng ngân hàng Việt Nam chưa bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại còn lại rất ít, chủ yếu là các nhà băng đang quá trình tái cơ cấu như: SCB, BacA Bank, VietA Bank, Sacombank…, nên cơ hội dành cho khối ngoại cũng không còn nhiều.
Thực tế, tỷ lệ cổ phần tối đa 20% đối với một tổ chức và không vượt 30% cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến các nhà đầu tư ngoại e ngại, bởi không thể chi phối được các quyết định lớn.
Do đó, nhiều ngân hàng bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu, nhất là đối với các nhà băng đang thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Chẳng hạn, sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, SCB lên kế hoạch gọi thêm vốn ngoại, với tỷ lệ vượt trên 50% và đã được chấp thuận về chủ trương.
Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào SCB, song để tìm được nhà đầu tư cùng chiến lược kinh doanh và chung mục tiêu phát triển, Ngân hàng cần thời gian để tìm hiểu trước khi bán vốn.
Thực tế, câu chuyện huy động vốn ngoại là dấu hiệu cho sự trở lại của ngành ngân hàng thời gian gần đây và một phần nhằm phục vụ việc tăng vốn, hướng tới đáp ứng chuẩn Basel II.
Trong bối cảnh này, mong muốn của các nhà đầu tư ngoại, cũng như bản thân ngân hàng trong nước là nới thêm room. Mức đề nghị là 35 - 40%, thậm chí một số nhà băng mong muốn được nới room lên 49% hoặc 51%.
Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài cũng kiến nghị tăng mức sở hữu khối ngoại tại các nhà băng nội lên 50%, thậm chí 65%.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, việc nới room ở lĩnh vực này sẽ khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất châu Á.