Không thiếu tiền
Bắt đầu câu chuyện cùng phóng viên, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A. Những nhà đầu tư này không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt.
Theo bà Trang, đối với các nhà đầu tư trong nước, thì việc mua khu đất phát triển dự án sẽ được ưu tiên hơn. Có thể nói, tất cả các phân khúc trên thị trường đều sẽ được quan tâm xem xét.
Tuy nhiên, phân khúc nhà ở và bất động sản công nghiệp sẽ thu hút được nhiều sự chú ý nhất từ nhà đầu tư cũng như các chủ đầu tư tại thị trường TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Do thị trường này thống trị bởi nhà đầu tư nội địa, nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn ưa chuộng tham gia bằng hình thức liên doanh với các đối tác trong nước, chứ không phải là các giao dịch bất động sản thuần túy.
“Nguồn tiền để đầu tư không hề thiếu, nhưng rào cản lớn nhất là việc khan hiếm quỹ đất phù hợp trong các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội để phát triển dự án”, bà Trang nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, trong số các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu trong nhiều năm qua, bất động sản luôn trong Top 2, chỉ đứng sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Là một thị trường trẻ nhưng có độ mở lớn và đã xuất hiện hầu hết các loại hình sản phẩm, Việt Nam đang như cô gái bước vào lứa tuổi dậy thì mà nhiều trai làng, trai phố “ong ve” để mắt tán tỉnh.
Đánh giá về triển vọng thu hút dòng vốn ngoại vào lĩnh vực địa ốc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2022.
“Việt Nam có rất nhiều tiềm năng khi đang phát triển bất động sản nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, có cơ hội phát triển nhiều loại hình sản phẩm, chi phí đất đai còn cạnh tranh so với các nước. Sự lớn mạnh của thị trường còn được thể hiện rõ ở quy mô vốn trung bình/dự án. Cụ thể, năm 2018, quy mô vốn trung bình là 54 triệu USD/dự án thì đến năm 2022, con số này đã là 64 triệu USD/dự án”, ông Tuấn cho biết.
Vốn khủng sẽ ồ ạt tìm đến Việt Nam
Một điểm thú vị của thị trường M&A thời gian qua, đó là kể cả giai đoạn dịch bệnh, thị trường vẫn diễn ra sôi động. Thậm chí, theo chia sẻ của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), thời gian tới sẽ chứng kiến nguồn vốn cực kỳ lớn đổ vào Việt Nam, cả trực tiếp và gián tiếp. Theo ông Tâm, tổng nguồn vốn Mỹ đầu tư vào Việt Nam từ trước đến nay khoảng 10 tỷ USD, trong 3 năm tới kỳ vọng ít nhất thêm 10 tỷ USD nữa.
Riêng với Kinh Bắc, ông Tâm cho biết, tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mà các đối tác cam kết đầu tư vào dự án khu công nghiệp của đơn vị này là khoảng 2,3 tỷ USD, trong khi lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực khác đã thu hút hơn 5 tỷ USD dòng vốn nước ngoài.
Theo ông Tâm, sở dĩ Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Mỹ nói riêng, đến từ những cải thiện về hệ số tín nhiệm. Nếu trước đây, khi mua bảo hiểm để đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp phải bỏ ra 10 đồng thì hiện nay chỉ cần 1 đồng. Đây là sự thay đổi rất lớn và quan trọng.
Theo các chuyên gia, cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022, thị trường bất động sản công nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển.
Các khu công nghiệp tại hai đầu cầu kinh tế lớn đạt tỷ lệ lấp đầy cao. Đây cũng là một trong những yếu tố đưa công nghiệp Việt Nam trở thành “bến đỗ” cho vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Đỗ Lan Anh, Thành viên Hội đồng đầu tư Quỹ Asia Business Builders, Giám đốc M&A của ABB Merchant Banking cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng có những tác động tích cực nhất định lên thói quen làm việc của rất nhiều tổ chức, việc hình thành thói quen họp/làm việc online cũng giúp tăng hiệu quả làm việc, trong đó có cả hoạt động M&A.
Về bối cảnh, theo bà Lan Anh, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử trong thời gian giãn cách vừa qua cũng giúp nhu cầu thuê kho bãi, hậu cần, mở rộng nhà máy và các trung tâm dữ liệu.
Ngoài ra, chiến sự kéo dài tại Ukraine đang kéo dòng tiền từ các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, tiền điện tử… sang các hàng hóa cơ bản và tài sản mang tính trú ẩn, trong đó có bất động sản.
Bà Lan Anh cho biết, hiện tại, hoạt động M&A được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như Chính phủ đã mở cửa hoàn toàn trở lại nền kinh tế; Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư ưu tiên hàng đầu trong khu vực nhờ sự ổn định chính trị; dòng vốn đầu tư thế giới đang rất dồi dào - năm 2021 là năm thành công rực rỡ của các quỹ đầu tư mạo hiểm khi gọi vốn thành công hơn 142,1 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm 2020, cũng là mức kỷ lục từ trước tới nay và con số kỷ lục này có thể bị phá vỡ trong năm 2022. Cùng với đó là sự lạc quan và sức sống của các doanh nghiệp đang tăng cao sau giai đoạn dịch bệnh.
Cũng theo bà Lan Anh, ngoại trừ các ngành dịch vụ, bán lẻ, khách sạn, du lịch có thể còn cần thêm thời gian hồi phục, các lĩnh vực khác sẽ rất thu hút nhà đầu tư nước ngoài, có thể kể tới đó là dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, logistics, sản xuất - chế biến, công nghệ thông tin. Ngoài ra, các ngành có tính chất “phòng thủ” như y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo cũng sẽ thu hút tốt dòng vốn đầu tư, đặc biệt với doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hay nguồn vốn từ các quỹ PE sẽ có nhiều lợi thế trên bàn đàm phán”, bà Lan Anh nhấn mạnh.