|
Khi câu chuyện NHTW Mỹ sẽ thu hẹp gói QE dịu đi, các NĐT nước ngoài lại đổ vốn vào các thị trường biên như Việt Nam |
Việc khối ngoại mua ròng 1.200 tỷ đồng trong tháng 10 đã góp phần tích cực tạo nên đà tăng điểm tốt của thị trường trong tháng và nhà đầu tư đang kỳ vọng dòng vốn này sẽ tiếp tục đổ vào TTCK trong những tháng cuối năm.
Nếu so với 600 tỷ đồng mua ròng của nhà đầu tư ngoại trong cả 9 tháng đầu năm thì thấy, con số mua ròng tháng 10 nói trên là rất ấn tượng.
Ông Lê Đắc An, Trưởng Phòng Phân tích CTCK Tân Việt (TVSI) cho hay, chính hoạt động mua ròng của khối ngoại là yếu tố đỡ TTCK trong những nhịp điều chỉnh của tháng 10, giúp VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ và vận động theo xu hướng tích lũy.
Thực tế, đối với TTCK Việt Nam, dòng vốn ngoại không chỉ nâng đỡ thị trường về mặt kỹ thuật mà còn giúp tạo tâm lý lạc quan cho các nhà đầu tư vốn nội. Nhờ có sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại trong các nhịp điều chỉnh mà chỉ số chung không giảm sâu, qua đó “động viên” nhà đầu tư nội mạnh dạn tham gia hơn ở các mã midcap và penny, đặc biệt là các mã có tính chất đầu cơ cao.
Ở phương diện vĩ mô, việc mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong tháng 10 cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục lạc quan vào triển vọng kinh tế Việt Nam.
Không chỉ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mà dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua TTCK cũng đang tăng lên mạnh mẽ.
Theo ông An, ở giai đoạn hiện tại, vai trò rất quan trọng của dòng vốn ngoại với TTCK Việt Nam là không thể phủ nhận. Bản thân nhà đầu tư trong nước cũng rất mong muốn và kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào thị trường trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có cái nhìn thực tế và khách quan rằng, dòng vốn ngoại cũng là dòng vốn đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, nên nếu không còn nhìn thấy cơ hội đó thì dòng vốn này sẽ rút đi.
Nếu dòng vốn ngoại xuất phát từ các quỹ ETF thì sự bền vững là không cao. Vì các quỹ này đang tranh thủ nguồn tiền rẻ từ chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ (QE3), nên khả năng rút nhanh như hồi tháng 6/2013 sẽ rất dễ lặp lại”, ông An nói.
Lý giải cho động thái mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong tháng 10, bà Quách Thùy Linh, Phó Phòng Phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, trước hết, cần nhìn lại diễn biến của khối ngoại trong quý III, khi họ chuyển sang bán ròng khá mạnh.
Thời điểm đó, thị trường đón nhận nhiều thông tin xấu từ thế giới như việc lo ngại Mỹ sẽ rút dần gói QE3, sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc như tăng trưởng tín dụng quá nóng và căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và lo ngại Mỹ tấn công quân sự Syria. Kéo theo đó là làn sóng rút vốn khỏi các thị trường biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Đây là diễn biến bình thường của các quỹ đầu tư lớn để cân đối lại trạng thái danh mục nhằm đề phòng rủi ro trước những biến động trên thế giới.
Tuy nhiên, sau đó, từ nửa cuối tháng 9 trở đi, những lo ngại kể trên đã được xoa dịu, nên dòng vốn ngoại đã quay trở lại thị trường Việt Nam.
Trong quý IV, mặc dù không kỳ vọng vào việc dòng vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào thị trường như trong giai đoạn 5 tháng đầu năm, nhưng theo VCBS, trong trường hợp không có thông tin xấu bất ngờ, vị thế chủ đạo của khối ngoại sẽ là mua ròng, từ đó góp phần vào kịch bản khởi sắc của thị trường.
Hiện tại, chỉ số P/E bình quân của TTCK Việt Nam đang ở khoảng 12,6 lần. Đây là mức thấp nhất trong khu vực, trong khi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế đang cho thấy và được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV và sang năm 2014, nên TTCK vẫn có sức hút nhất định đối với dòng vốn ngoại.
Một điều đáng lưu ý là, theo chu kỳ giải ngân của khối ngoại, thời điểm giải ngân mạnh thường là vào những tuần cuối tháng 12 và quý I hàng năm.
Hải Vân