Nếu không có gì thay đổi, Dự án đường vành đai III trên cao Mai Dịch - Pháp Vân sẽ là công trình giao thông mới duy nhất được đưa vào danh mục các dự án vay vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đợt I, tài khóa 2013.
| ||
Dự án đường vành đai III trên cao Mai Dịch - Pháp Vân sẽ là công trình giao thông được đưa vào danh mục các dự án vay vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản |
Sở dĩ phải khẳng định như vậy là bởi, giữa năm nay, JICA đã tiến hành thẩm định và thống nhất dự thảo hiệp định vay cho Dự án.
Là đoạn nối dài của tuyến đường vành đai II trên cao đoạn từ Mai Dịch - hồ Linh Đàm, công trình sẽ xây dựng cầu cạn cao tốc từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng mở rộng.
Theo ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao chuẩn bị Dự án, tổng chiều dài đoạn đường vành đai III trên cao thứ hai của Hà Nội là 5,364 km, trong đó chiều dài cầu cạn cao tốc là 4,903 km.
Được biết, đơn vị tư vấn lập dự án là Liên danh Oriental Consultants - Kei (Nhật Bản) - Tedi - Apeco (Việt Nam) đã đề xuất xây dựng đoạn tuyến trên cao thứ hai trên đường vành đai III theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư của Dự án là 5.343,4 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 3.696 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn ngân sách cấp từ vốn vay ODA của JICA.
Dự kiến, thời gian thực hiện Dự án là 56 tháng, trong đó thời gian thi công là 28 tháng.
“Được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị, tuyến sẽ kết nối đường vành đai III có lưu lượng xe lớn nhất tại Hà Nội đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long, cũng như một loạt tuyến quốc lộ huyết mạch 1, 5, 6, 32 với Sân bay quốc tế Nội Bài”, ông Hòa cho biết.
Trước Dự án đường vành đai III trên cao từ Mai Dịch - Pháp Vân, công trình Nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cũng đã được đưa vào danh mục dự án nhận vốn đợt I, tài khóa 2013. Đây là dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội đang được Bộ GTVT tăng tốc thi công để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác ngay trong năm 2014.
Đối với các công trình nhận vốn đợt II, tài khóa 2013, đến thời điểm này, Bộ GTVT và JICA đã chốt được danh sách 3 dự án là: Dự án đường cao tốc TP.HCM – Dầu Giây (Hiệp định vay thứ 3 trị giá 17 tỷ yên); Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (Hiệp định vay thứ 2 trị giá 30 tỷ yên) và Dự án cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện (Hiệp định vay thứ 2 trị giá 19,3 - 21 tỷ yên). “Đây đều là những dự án hạ tầng quan trọng, quy mô lớn, có khả năng thay đổi bộ mặt giao thông liên vùng”, ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Theo thống kê của Bộ GTVT, với quy mô tiếp nhận khoảng xấp xỉ 80 tỷ yên trong năm 2013, giao thông tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều vốn ODA Nhật Bản nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2013, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ ngành GTVT hoàn thành và đưa vào khai thác 18 dự án, với tổng mức đầu tư 2,34 tỷ USD; đang triển khai 28 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 7,42 tỷ USD; phối hợp với các nhà tài trợ khác để đồng tài trợ 3 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Được biết, để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận nguồn vốn ODA Nhật Bản, Danh mục 29 dự án hạ tầng giao thông vừa được Bộ GTVT đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản giai đoạn 2013 – 2016, với tổng mức đầu tư lên tới 470 tỷ yên (6 tỷ USD).
Theo đó, trong danh sách dài các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản trong 3 năm tới, hội tụ những công trình có quy mô rất lớn thuộc các lĩnh vực giao thông đô thị, cảng biển, đường cao tốc, hàng không và đường sắt.
Cụ thể, ngoài các hiệp định vay bổ sung cho các dự án đang triển khai, trong danh mục 29 dự án dự kiến vay ODA Nhật Bản, có tới 15 dự án mới với quy mô vốn lớn như: đường cao tốc Bắc Nam đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận; cảng hàng không quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài; đường cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Phan Thiết.
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), các dự án thuộc danh mục nói trên đều là những công trình cần được ưu tiên đầu tư do có sức lan tỏa, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn và nhất là phù hợp với tiêu chí cho vay của JICA.
“Trong bối cảnh nguồn ngân sách đang khó khăn, nguồn vốn ODA đến từ Nhật Bản với lãi suất thấp vẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong thời gian tới”, ông Viên đánh giá.
Anh Minh