Ngân hàng
Vợt khách bán lẻ, ngân hàng chạy đua công nghệ
Hà Tâm - 08/05/2017 09:58
Công nghệ đang trở thành vũ khí cạnh tranh của nhiều ngân hàng trong “cuộc chiến” giành thị phần bán lẻ.

Tân binh đòi miếng bánh riêng

Trong cuộc đua chiều lòng các khách hàng ưa công nghệ, dường như các ngân hàng khối cổ phần đang làm tốt hơn các ông lớn. Là hai tân binh trẻ nhất ngành ngân hàng, TPBank và LienVietPostBank đang “vợt” không ít khách hàng bán lẻ của các “ông lớn”.

Vài năm gần đây, TPBank được nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ, ưa thích vì nhiều dịch vụ, sản phẩm rất tiện ích. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên và duy nhất sở hữu hệ thống Live Bank ở Việt Nam.

.

Cũng như TPBank, khi môi trường công nghệ đã bắt đầu phủ sóng, nhiều ngân hàng trẻ khác cũng tìm miếng bánh riêng trên thị trường bán lẻ. Trong khi nhiều ngân hàng e ngại và dè chừng công nghệ tài chính (fintech), thì LienVietPostBank lại nhanh tay đầu tư vào fintech và coi đây là vũ khí chiến lược để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.

Fintech của ngân hàng này (Ví Việt) được Công ty tư vấn tài chính quốc tế Zetetic Consulting Limited (Hongkong) đánh giá là một trong 15 sản phẩm fintech hàng đầu thế giới năm 2016.

Triển khai chưa đầy năm, song Ví Việt đã có hơn 1,2 triệu người dùng và sắp đạt mục tiêu 2 triệu người dùng trong năm nay.

Rõ ràng, cách mạng công nghệ lần thứ tư đã tác động sâu sắc đến đời sống của các ngân hàng. Theo đó, những ngân hàng chậm thay đổi có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Samir Dixit, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance đưa ra một chiếc thẻ Visa của Ngân hàng Standard Chartered Singapore có tích hợp bàn phím ngay trên thẻ và cảnh báo, lớp khách hàng truyền thống của các ngân hàng đang già đi, trong khi lớp khách hàng tiềm năng và hiện hữu đang thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng. Nếu không chịu thay đổi, các ngân hàng sẽ mất dần khách.

“Ông lớn” bắt đầu lo chuyển mình

Xu hướng thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi rất rõ. Xu thế này đang gây áp lực thay đổi lên nhiều ngân hàng Việt, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh.

“Nhiều ngân hàng TMCP lớn của Việt Nam như những ông già chậm chạp, trong khi nhiều ngân hàng trong khu vực đã năng động thích ứng với cách mạng công nghệ lần thứ tư. Nếu cứ mãi tập trung vào lứa khách hàng lớn tuổi (40 - 50 tuổi) như hiện nay, các ngân hàng sẽ dần “lão hóa” cùng khách hàng, trong khi nhóm khách hàng trẻ - được coi là tương lai của ngân hàng và rất ưa chuộng công nghệ số, thì lại đang bị coi nhẹ”, ông Samir Dixit cảnh báo.

Tại TPBank, có tới 2/3 giao dịch là giao dịch số, với chi phí chỉ bằng 1/30 chi phí giao dịch truyền thống. Điều này không chỉ giúp ngân hàng giảm chi phí, mà còn giúp khách hàng có trải nghiệm tốt.

- Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Thực tế, cả 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều chuyển đổi khá chậm về công nghệ. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi với hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, việc thay đổi công nghệ rất tốn kém và phức tạp.

Theo các chuyên gia ngân hàng, ngân hàng nhỏ đầu tư thay đổi hệ thống core banking chỉ mất trên dưới 10 triệu USD, trong khi các ngân hàng lớn phải bỏ ra vài trăm triệu USD.

Điều đáng mừng là hiện nay, nhiều ngân hàng lớn cũng đã bắt đầu chuyển mình. Đầu năm nay, VietinBank đã chính thức chuyển sang hệ thống core banking mới. Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank cho hay, ngân hàng đang đặt mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, nâng tỷ trọng từ thu phí dịch vụ từ 13% hiện nay lên mức 20%, giảm dần tỷ trọng thu nhập từ tín dụng.

Một ngân hàng khác bị chê khá nhiều về công nghệ là Vietcombank cũng đang lên chiến lược đổi mới. Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank khẳng định, Vietcombank không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho rằng, trong vài năm tới, nhu cầu phát triển các dịch vụ như Internet banking, mobile banking tại Việt Nam có thể tăng 20 - 30%/năm. Với dự báo khoảng 52% dân số Việt Nam sẽ sử dụng Internet, nếu các ngân hàng đầu tư vào công nghệ mới, thì chắc chắn họ sẽ có lợi nhuận ròng 15 - 17%/năm.

Theo khuyến cáo của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cùng với đầu tư công nghệ, ngân hàng cũng phải tránh lãng phí mà phải tận dụng tối đa công nghệ bằng cách ứng dụng và sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, công tác bảo mật phải đặt lên hàng đầu.

Tin liên quan
Tin khác