Không chia cổ tức, dồn vốn cho kinh doanh
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 VPBank, diễn ra ngày 26/4/2019 tại Hà Nội, đã thống nhất thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận 2018, theo đó Ngân hàng sẽ không chia cổ tức, kể cả là bằng tiền mặt hay cổ phiếu, mà để lại phục vụ cho việc phát triển ngân hàng.
Trước đó, sau khi nghe ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch VPBank trình bày kế hoạch không chia cổ tức này, có cổ đông đã đặt câu hỏi vì sao Ngân hàng không chia cổ tức, số tiền đó được sử dụng như thế nào?
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Bùi Hải Quân cho biết, năm 2018, lợi nhuận sau thuế của VPBank là hơn 7.000 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ thì còn lại hơn 3.400 tỷ đồng. “Tiền đó không chia cổ tức thì vẫn nằm ở ngân hàng, dược dùng để phát triển ngân hàng chứ không được sử dụng vào mục đích khác”, ông Bùi Hải Quân khẳng định.
Cũng theo vị Phó chủ tịch của VPBank, năm nay, VPBank tạm thời chưa chia cổ tức, cũng không có chủ trương chia cổ tức bằng tiền mặt, mà dùng tiền đó để nâng cao năng lực tài chính.
Theo ông Quân, đối với các ngân hàng, thì điều quan trọng không phải là vốn điều lệ, mà là vốn chủ sở hữu. Khoản lợi nhuận để lại này sẽ giúp tăng vốn chủ sở hữu để VPBank có thể đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn Basel II, cũng như có thêm vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
“Tiền chưa chia cổ tức thì vẫn thuộc sở hữu của cổ đông. Sau khi các cổ đông thông qua kế hoạch không chia cổ tức mà để lại cho ngân hàng, thì HĐQT có quyền quản lý. Tuy nhiên, sau này, chia cổ tức hay sử dụng như thế nào thì HĐQT cũng phải xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông”, ông Quân khẳng định.
Cùng với việc không chia cổ tức, Đại hội đồng cổ đông VPBank cũng đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên, nhằm giữa chân nhân tài và các cán bộ, nhân viên có đóng góp tốt cho sự phát triển của Ngân hàng, cũng như kế hoạch phát hành riêng lẻ, nhằm tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng.
Cụ thể, tổng lượng cổ phiếu phát hành dự kiến là 31 triệu cổ phần, với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm, và được giải toả dần theo từng năm, với tỷ lệ 30% sau 1 năm; 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm, kể từ ngày kết thúc đợt bán. Việc phát hành cổ phiếu này sẽ được tiến hành trong quý II/2019.
Còn với kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, số lượng chào bán tối đa là 260 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Số lượng phát hành cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank lên mức tối đa 30%.
Theo lãnh đạo của VPBank, nếu Ngân hàng phát hành thành công 31 triệu cổ phần cho nhân viên và 260 triệu cổ phần từ đợt phát hành riêng lẻ, thì vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ gần 25.300 tỷ đồng hiện nay lên 28.209 tỷ đồng.
Năm ngoái, VPBank cũng đã lên kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ, song cuối cùng đã không thực hiện được, do giá cổ phiếu xuống thấp.
VPBank khẳng định đã áp dụng tiêu chuẩn cao nhất về dự phòng
Tại Đại hội cổ đông, cũng đã có cổ đông sau khi so sánh với các ngân hàng khác, đã đặt câu hỏi về tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu của VPBank và cho rằng tỷ lệ này cao.
Tuy nhiên, trả lời các cổ đông, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho rằng, sẽ là khập khiễng nếu so sánh các ngân hàng với nhau. Lý do là vì, mô hình kinh doanh của VPBank rất khác, rất đặc thù. Đó là VPBank cho vay dựa trên tín chấp, phục vụ cho hàng triệu khách hàng cá nhân, trong đó có nhiều người không có khả năng tiếp cận với tín dụng ngân hàng.
Con số trước đó được ông Quân đề cập, là 100% khoản cho vay 53.000 tỷ đồng của FE Credit là cho vay tín chấp. Còn với ngân hàng mẹ, trong hơn 83.000 tỷ đồng, có 14.000 tỷ đồng là cho vay tín chấp. Nghĩa là tỷ lệ cho vay tín chấp của VPBank lên tới 35%.
Tỷ lệ tín chấp cao nên rủi ro, nợ xấu cũng lớn hơn, mô hình dự phòng cũng khác. “Cần đánh giá khách quan, công bằng với nợ xấu của VPBnak, bởi Ngân hàng cho vay tín chấp nhiều. Nếu cho vay thế chấp thì nợ xấu của VPBank chỉ còn dưới 1%”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng thì với đặc thù kinh doanh như vậy, mong không chỉ cơ quan quản lý, mà cả các cổ đông đánh giá công bằng hơn với VPBank trong việc dự phòng nợ xấu, trích lập nợ xấu. Theo khẳng định của ông Dũng thì VPBank đã đảm bảo áp dụng tiêu chuẩn cao nhất về dự phòng nợ xấu.
Cùng chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, hiện Ngân hàng đang theo đuổi mô hình tăng trưởng cao và chấp nhận rủi ro cũng ở mức cao.
VPBank hiện đứng đầu trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần về doanh thu, với 31.000 tỷ đồng trong năm 2018. Thậm chí, nếu so toàn hệ thống, thì VPBank chỉ thua Vietcombank về doanh thu. Năm 2019, VPBank tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu lên tới 20%.
“Điều quan trọng là Ngân hàng thiết lập được hệ thống quản trị, trích lập dự phòng phù hợp để quản lý rủi ro”, ông Vinh nhấn mạnh.