Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức VPSF |
Thưa ông, nếu tổ chức phiên đối thoại giữa kỳ, VPSF năm 2018 sẽ có phiên bản mới?
Cách thức tổ chức mới thì đúng hơn. 2 năm liền, 2016-2017, VPSF chỉ tổ chức 1 phiên toàn thể tại Hà Nội. Phiên này thường chọn một số chủ đề trong số 10 chủ đề mà VPSF đã chọn, để đối thoại với Chính phủ.
Năm 2017, VPSF đã chọn du lịch, nông nghiệp và kinh tế số để đưa ra các khuyến nghị chính thức, trên cơ sở các cuộc làm việc liên tục của các nhóm công tác.
Cho tới thời điểm này, một số khuyến nghị của chúng tôi đã có được phản hồi tích cực từ phía các bộ, ngành, như việc xem xét sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xem xét sửa đổi các quy định về tích tụ ruộng đất trong Luật Đất đai, các rào cản của khu vực tư nhân trong tham gia phát triển kinh tế số; mở rộng diện khách du lịch miễn visa...
Tất nhiên, còn nhiều đề xuất của các nhóm công tác khác chưa được đối thoại, nên chúng tôi đã tập hợp trong cuốn Sách Trắng để gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành địa phương, từ đó sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại.
Nhưng, với nhu cầu được đối thoại của các doanh nghiệp tư nhân, điều này chưa đủ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang rất muốn lắng nghe tiếng nói từ khu vực kinh tế tư nhân để có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo dư địa lớn hơn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Đặc biệt, các doanh nghiệp khu vực phía Nam đề nghị có phiên đối thoại đó để nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có cơ hội tham gia, đề xuất ý kiến trực tiếp.
Suy cho cùng, VPSF là một diễn đàn của khu vực kinh tế tư nhân và cần tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là lý do chúng tôi dự kiến cuối quý I/2018 sẽ tổ chức Diễn đàn VPSF giữa kỳ tại TP.HCM.
Các nội dung dự kiến được đặt ra trong VPSF năm 2018 là gì, thưa ông?
10 nhóm công tác sẽ tiếp tục làm việc như thông lệ, để đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho từng lĩnh vực.
Còn chủ đề thảo luận của VPSF giữa kỳ 2018, chúng tôi đang dự kiến sẽ đặt lên bàn đối thoại các nội dung liên quan đến nhân lực và đào tạo, thuận lợi hóa thương mại, logistics và có thể có thêm ngành kinh tế truyền thông. Mọi việc đang được thảo luận.
Nguyên tắc là sẽ chọn các vấn đề, hay nói đúng hơn là những vướng mắc, rào cản mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt, nhưng không thể chủ động giải quyết nếu không có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp.
Đơn cử như tại sao chi phí logistics của Việt Nam lại cao gấp đôi mức trung bình của thế giới, gấp rưỡi của Trung Quốc, gấp hơn 2 lần so với Malaysia... Doanh nghiệp Việt Nam làm sao có thể cạnh tranh nổi với mức chi phí cao như vậy.
Nhưng nếu các cơ quan quản lý, các địa phương không thực sự vào cuộc, nếu câu chuyện của phí hạ tầng ở Hải Phòng không được chúng tôi lên tiếng mạnh mẽ thìt ừng doanh nghiệp không thể tự xoay chuyển được tình thế.
Hoạt động của VPSF đang rất thuận, khi với việc thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính dựa trên chính các doanh nghiệp đng tham gia VPSF. Đang có thông tin về việc VPSF sẽ có thể được nâng cấp lên thành Diễn đàn Phát triển Kinh tế Tư nhân (ViEF)?
Chúng tôi chưa bàn tới việc này!
VPSF được chính các doanh nghiệp tư nhân thiết lập nhằm tạo thêm một kênh đối thoại giữa doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ,. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng thêm cơ chế đối thoại với các địa phương.
Đây là nơi chúng tôi chủ động lên tiếng đề xuất, kiến nghị những vấn đề trong hoạt động, phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, để Chính phủ, các địa phương nắm được nhu cầu, tâm tư của doanh nghiệp tư nhân, từ đó có sự và cuộc phù hợp, thực tiễn, sát với nhu cầu của doah nghiệp tư nhân.
Đây chính là chìa khóa mà VPSF được sự ủng hộ của các doanh nghiệp tư nhân và sự lắng nghe của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.