Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào đất rừng ở Lâm Đồng sẽ bị thu hồi lại đất rừng phòng hộ |
Thu hồi diện tích rừng phòng hộ đã cho thuê
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa làm việc với các sở, ngành liên quan về giải pháp xử lý đối với những dự án có vướng mắc trong việc thuê rừng phòng hộ. Đây là vấn đề Báo Đầu tư đã nêu tại bài báo: “Doanh nghiệp đầu tư vào đất rừng ở Lâm Đồng: Mắc kẹt giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp” (số 90, ngày 28/7/2023). Bài viết phản ánh, nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư vào đất rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị “mắc kẹt” do giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp quy định khác nhau. Điều này dẫn đến việc cho doanh nghiệp thuê rừng phòng hộ phù hợp luật này, nhưng lại trái luật kia.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng tài sản trên đất có diện tích rừng phòng hộ sau ngày 1/1/2019, nên không được thuê rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Do đó, các dự án này không thể hoàn thành thủ tục để tiếp tục triển khai.
Theo ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để đảm bảo quản lý chặt chẽ và hiệu quả tài nguyên rừng, thống nhất chủ trương không xem xét việc cho thuê rừng đối với các dự án vì không thuộc trường hợp được cho thuê rừng theo quy định tại Điều 17 và không thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Điều 108, Luật Lâm nghiệp. Các chủ dự án được xem xét cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định tại Điều 56, Luật Lâm nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao rà soát, tham mưu UBND tỉnh quyết định thu hồi diện tích rừng phòng hộ đã cho thuê đối với các nhà đầu tư cũ; giao diện tích rừng đã cho thuê cho chủ rừng nhà nước trước đây quản lý; làm việc cụ thể với chủ đầu tư từng dự án, hướng dẫn các đơn vị lập thủ tục thuê môi trường rừng để hoàn thành các thủ tục, triển khai thực hiện dự án. Những công việc này, Sở NN&PTNT hoàn thành trước ngày 15/11/2023. Đồng thời, Sở NN&PTNT có trách nhiệm hướng dẫn các chủ rừng có liên quan lập hồ sơ cho thuê môi trường rừng theo quy định.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh việc chấp thuận chủ trương hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nêu trên, trong đó có nội dung thuê môi trường rừng. Kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/11/2023.
Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường khi trình UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất lâm nghiệp, phải phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT để thực hiện thống nhất, đồng bộ với việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng theo Điều 14, Luật Lâm nghiệp.
Cần sớm đồng bộ giữa các luật
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đối với các doanh nghiệp có dự án đã được thuê đất, tại khoản 4, Điều 136, Luật Đất đai 2013 quy định về cho thuê đất rừng phòng hộ, quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.
Trong khi đó, tại điểm b, khoản 2, Điều 16, Luật Lâm nghiệp quy định, Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng gồm tổ chức kinh tế đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó.
Điều 17, Luật Lâm nghiệp cũng quy định về cho thuê rừng sản xuất: “Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng trả tiền thuê rừng một lần hoặc hàng năm để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí”.
Ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT nhận xét, do giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp còn sự khác biệt, nên hiện nay không có cơ sở cho tổ chức kinh tế thuê đất và thuê rừng phòng hộ; không thể chỉ cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai mà không cho thuê rừng phòng hộ theo quy định của Luật Lâm nghiệp (ngoại trừ các dự án thuộc đối tượng có rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất thì được giao rừng phòng hộ theo điểm b, khoản 2, Điều 16, Luật Lâm nghiệp).
Không chỉ vậy, doanh nghiệp có dự án thuộc đối tượng bán tài sản trên đất cũng gặp phải một số vướng mắc. Theo quy định của pháp luật về đất đai thì tổ chức kinh tế có quyền bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn còn lại, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định (trường hợp thu tiền hàng năm); có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất phải thuộc các điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193 và 194, Luật Đất đai.
Tuy nhiên, nếu áp dụng Điều 17, Luật Lâm nghiệp thì Nhà nước không cho thuê đối với rừng phòng hộ.
Tại các văn bản của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT như Văn bản số 965/BNN-TCLN ngày 19/2/2021 về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và Văn bản số 1011/BNN-TCLN ngày 24/2/2023 về việc trả lời cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV xác định: “Việc chuyển nhượng dự án (bao gồm diện tích rừng phòng hộ đã thuê) không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 108, Luật Lâm nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp được thuê rừng phòng hộ trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành không được chuyển nhượng diện tích rừng đã thuê. Nếu doanh nghiệp không còn nhu cầu thuê rừng, UBND tỉnh có trách nhiệm thu hồi diện tích rừng để xem xét thực hiện giao hoặc cho thuê rừng để quản lý theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp”.
Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho rằng, việc không được chuyển nhượng diện tích rừng đã thuê là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 189, Luật Đất đai quy định: “Người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án”.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng làm việc với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc do các quy định của pháp luật về đất đai và lâm nghiệp chưa đồng nhất, giúp các nhà đầu tư triển khai dự án.
Các dự án đang “mắc kẹt” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng:
Những dự án đã được cho thuê đất lâm nghiệp, nhưng không được cho thuê rừng, gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng do Công ty TNHH MTV Petrodalat làm chủ đầu tư; Dự án Khu nghỉ dưỡng chăm sóc và phục hồi sức khỏe Liv Resort Đà Lạt do Công ty TNHH ABODOS làm chủ đầu tư; Dự án khu nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, khách sạn cao cấp quốc tế do Công ty cổ phần Tuyền Lâm Hill làm chủ đầu tư; Dự án Thủy điện Tà Nung do Công ty TNHH Thủy điện Tà Nung làm chủ đầu tư; khu đất trúng đấu giá tài sản trên đất tại số 32, đường 3/4, TP. Đà Lạt do Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phan Hào làm chủ đầu tư.
Những dự án đã có chủ trương chuyển nhượng dự án, gồm: Dự án Công viên hoa - kỳ quan thế giới và nghỉ dưỡng sinh thái do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Anh làm chủ đầu tư; Dự án Kỳ quan thế giới và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Haco làm chủ đầu tư.
Những dự án đã có chủ trương chuyển nhượng tài sản trên đất, gồm: Dự án Làng Văn hóa APU do Công ty cổ phần Hoàng Gia Sài Gòn Đà Lạt làm chủ đầu tư; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đa Thiện do Công ty cồ phần Hỗ trợ nhân đạo văn hóa giáo dục An Tâm làm chủ đầu tư; Dự án Trồng cây nông nghiệp chất lượng cao, cây đặc thù của địa phương do Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Mai Viết làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt cao sản do Công ty TNHH Thiên Thai làm chủ đầu tư.