Chiều 7/10, Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 7 cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc qua 700 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố/quận/huyện/thị xã.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, số ca nặng và tử vong do Covid-19 đang có xu hướng giảm. Ảnh: Lê Hảo |
Thống kê của ngành Y tế cho biết, tháng 8/2021, số ca tử vong vì mắc Covid-19 tại Việt Nam leo cao trên biểu đồ dịch, với trung bình 300-400 ca/ngày. Đỉnh điểm là ngày 31/8, toàn quốc phát hiện tới hơn 800 ca tử vong.
Đây là thời điểm số ca nhiễm trong cộng đồng tăng đột biến, hệ thống y tế phải đối phó khẩn cấp nên có thời điểm chưa theo dõi được toàn bộ F0 khi bị nhiễm bệnh, dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.
Đầu tháng 8, Bộ Y tế dồn toàn bộ nhân lực tinh nhuệ nhất để cùng với TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam gấp rút xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực để tăng cường công tác điều trị hồi sức cho các trường hợp nặng, nguy kịch, nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Nhờ đó, sang tháng 9, số ca tử vong tại các địa phương giảm dần, xuống mốc trung bình 200-300 ca/ngày. 10 ngày qua, số ca tử vong liên tục giảm xuống dưới mốc 200, thấp nhất là là 114 ca ghi nhận ngày 3/10.
Địa bàn ảnh hưởng nặng nề nhất là TP.HCM cũng đã cho thấy những tín hiệu rất khả quan khi số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại địa phương này trong những ngày gần đây có chiều hướng giảm đáng kể.
Ngày 31/8, địa bàn này ghi nhận 355 ca tử vong. Đến ngày 3/10, số bệnh nhân tử vong giảm sâu còn 79 ca, giảm nhiều nhất trong hơn một tháng qua.
Đến nay, ngày 7/10, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 20.223 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.223 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. |
So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nói về kết quả khả quan này, theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, một trong những đổi mới trong công tác điều trị đợt dịch thứ tư là đã triển khai mô hình trạm y tế lưu động;
Đồng thời quản lý F0 cách ly tại nhà và tại khu cách ly một cách bài bản, giúp chăm sóc, theo dõi, phát các gói thuốc điều trị cho các F0 mới phát hiện; kịp thời phát hiện những chuyển biến nặng của người bệnh để đưa đi điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, trong một thời gian ngắn đã bao phủ được một lượng lớn những người đã được tiêm vắc-xin mũi 1, có tác dụng bảo vệ người dân rất tốt. Khi đã tiêm được 1 mũi, nếu có bị nhiễm SARS-CoV-2 thì số bệnh nhân chuyển nặng cũng đã ít đi rất nhiều.
Đặc biệt, để giảm bệnh nhân nặng và tử vong nhanh chóng, các bác sĩ nhấn mạnh việc cần theo dõi sát trong 5 ngày đầu nhiễm bệnh. Riêng đối tượng nguy cơ cao như có bệnh nền đái tháo đường, suy tim, phổi, đặc biệt thừa cân, béo phì, nguy cơ tử vong cao nên cần đặc biệt theo dõi sát sao.
Các bước chẩn đoán, xử trí cơn bão cytokine cũng được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể để bác sĩ tuyến dưới có thể tiên lượng sớm tình trạng nặng và chuyển tuyến nhanh chóng.
Với việc phân loại bệnh nhân tốt, theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cần theo dõi sát sao diễn biến của bệnh nhân để chuyển tầng điều trị phù hợp, các cơ sở y tế tuyến trên vừa hỗ trợ về trang thiết bị y tế, vừa hỗ trợ nhân lực trực tiếp cầm tay chỉ việc để tuyến dưới có được những can thiệp kịp thời.
Đây là hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng và việc triển khai thành lập cấp tốc các trung tâm hồi sức điều trị người bệnh Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Nói về hướng dẫn mới điều trị Covid-19 vừa ban hành Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, trong hướng dẫn mới này, Việt Nam sẽ áp dụng điều trị bằng các loại thuốc gần như chỉ đưa vào sử dụng vào tình huống khẩn cấp được công nhận trên thế giới và các loại thuốc kháng đông, kháng viêm giúp cho kiểm soát được các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Cụ thể, Bộ Y tế đã bổ sung thuốc Molnupiravir 400 mg bên cạnh Remdesivir, Favipiravir. Theo đó, Molnupiravir 400 mg chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ, liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.
Cùng với Molnupiravir, thuốc Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình còn Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn điều trị dự phòng sớm bằng corticoid, chống đông máu.