Ngày 5/1, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử 20 bị cáo sai phạm trong phát hành và chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của của Công ty cổ phần Phát triển nam Sài Gòn (Sadeco) cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, nhưng không thẩm định giá, đấu giá.
Trong phiên xét xử hôm nay, các luật sư lần lượt bào chữa cho thân chủ của mình. Trong đó, bị cáo Nguyễn Hữu Thành là người duy nhất của Công ty Nguyễn Kim bị đưa ra xét xử. Bào chữa cho bị cáo Thành, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên thân chủ của mình không phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Hữu Thành là người duy nhất của Công ty Nguyễn Kim bị đưa ra xét xử. |
Theo luật sư Thảo, bị cáo Thành bị truy tố về tội gây thiệt hại cho Sadeco và gây thất thoát tài sản nhà nước là không phù hợp. Bởi chủ thể của tội phạm này phải là người được nhà nước giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà vi phạm.
Thứ hai, về yếu tố đồng phạm, theo luật sư Thảo, bị cáo Nguyễn Hữu Thành tham gia HĐQT Sadeco với tư cách là người được ủy quyền, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cổ đông tại Sadeco. Quá trình tham gia Sadeco, có thể thấy bị cáo Thành tuyệt đối tin tưởng vào việc xác định giá cổ phần của phòng ban chuyên môn Sadeco, cũng như sự đồng ý về chủ trương của các cơ quan chủ quản chủ sở hữu.
Vì vậy, bị cáo đã biểu quyết tán thành phương án phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim vì cho rằng, đây là phương án tốt nhất, mang lại lợi ích cho các bên.
Luật sư Thảo lập luận rằng, trong vụ việc phát hành 9 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ cho Sadeco, bị cáo Thành có sai phạm (nếu có) thì đây chỉ là quan hệ tranh chấp dân sự. Cụ thể là tranh chấp giữa cổ đông và người quản lý công ty nếu các cổ đông cho rằng người quản lý công ty gây thiệt hại cho lợi ích của mình. Và người quản lý Sadeco ở đây chính là thành viên HĐQT Sadeco theo quy định của luật Doanh nghiệp.
Bào chữa bổ sung, bị cáo Nguyễn Hữu Thành trình bày trước đây theo nhận thức của bị cáo thì hành vi của mình không phạm tội. Nhưng khi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng, bị cáo cho rằng mình có nhận thức pháp luật hạn chế dẫn đến có sai phạm. Tuy nhiên, khi luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội, bị cáo tôn trọng quan điểm của luật sư vì “luật sư có dẫn chứng pháp luật rõ ràng”, nên mong HĐXX xem xét.
Bị cáo Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco |
Trước đó, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM luận tội và đề nghị mức án, bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) cũng không bào chữa gì thêm vì đã thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Dũng cho rằng, bản thân trong quá trình làm việc đã yêu cầu sử dụng các đơn vị tư vấn, việc phát hành cổ phiếu cũng có tư vấn, báo cáo tư vấn và tuân thủ chấp hành pháp luật.
Theo ông Dũng, có một việc rất lớn trong vụ án này đó là xác định tư cách các bị cáo là người đại diện vốn Nhà nước hay đại diện vốn doanh nghiệp Nhà nước; từ đó dẫn đến áp dụng Khoản 2 Điều 4, Nghị định 52 hay Khoản 3, Điều 10, Nghị định 52.
"Bị cáo đã thuê hai công ty tư vấn luật để xác định rõ tư cách đại diện vốn của Tân Thuận tại các doanh nghiệp thành viên. Các ý kiến tư vấn đều xác định tư cách các bị cáo là người đại diện vốn doanh nghiệp Nhà nước", ông Dũng nói.
Bị cáo cho rằng khi nói điều đó không nhằm mục đích bào chữa hay chối tội mà để trình bày với HĐXX rằng bản thân làm đúng pháp luật. Tuy nhiên hoàn cảnh khách quan thời điểm đó dẫn đến việc có sai sót, nhận định chưa đầy đủ dẫn đến việc phải ra trước tòa hôm nay.
Đối với việc thay đổi chứng từ tại Sadeco, ông Dũng trình bày lúc đó bị cáo cũng nhận thức rằng mình được quyền nhận tiền thưởng nên mới có những chỉ đạo như vậy.
"Bị cáo hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội, mong HĐXX hiểu và chia sẻ cho bị cáo. Bị cáo không cố ý, không chủ động phạm tội cũng không đổ lỗi cho ai", ông Dũng nói.