Doanh nghiệp
Vũ Thị Thùy Linh, sáng lập Lamita: Start-up chỉ tan vỡ khi người sáng lập chấp nhận từ bỏ
Hồng Phúc - 15/08/2019 10:18
Đối mặt với khủng hoảng khi hàng loạt nhân sự chủ chốt nghỉ việc, Vũ Thị Thùy Linh không chấp nhận từ bỏ, mà quyết định tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình kinh doanh để vực dậy và phát triển Lamita, start-up đã được cô gây dựng bằng tình yêu với bộ môn Zumba.
Vũ Thị Thùy Linh, nhà sáng lập Lamita

Bước ngoặt sau khủng hoảng

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng tại Hà Nội, sau khi ra trường, Vũ Thị Thùy Linh đầu quân vào các tổ chức tài chính. Trong những lần đi công tác tại Pháp và các nước châu Âu, Linh biết đến bộ môn Zumba - điệu nhảy sôi động đòi hỏi sự chuyển động của toàn cơ thể, gắn kết với mọi người xung quanh. Sau khi về Việt Nam, Linh tìm các lớp học Zumba, nhưng không có.

May mắn, Linh được làm quen với vũ sư Trần Hạnh An, người đã đưa Zumba về Việt Nam theo cách của riêng mình. Cùng đam mê Zumba, Linh và Hạnh An xây dựng bộ giáo trình Zumba phù hợp với người Việt. Năm 2012, họ cùng mở câu lạc bộ Zumba tại Hà Nội (tiền thân của Lamita sau này).

Sau 3 năm duy trì Câu lạc bộ, Hạnh An chuyển về Hội An, không thể tiếp tục đồng hành cùng Lamita. Từ đó, Linh phải cáng đáng từ chuyên môn, xây dựng học liệu, tìm kiếm, đào tạo huấn luyện viên, sale-marketing, tài chính…

Câu lạc bộ ngày càng phát triển, quy mô mở rộng cũng là lúc gánh nặng trở nên quá sức với Linh. Đội ngũ Lamita xảy ra bất đồng trong quản trị, không cùng tầm nhìn, dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn nhất với Lamita vào cuối năm 2018. Hàng loạt cổ đông góp vốn cũng là nhân sự chủ chốt nghỉ việc, kéo theo 1/3 huấn luyện viên. Cùng lúc đó, Linh đang mang bầu bé thứ hai và bố cô mắc ung thư giai đoạn cuối.

“Tôi rất tổn thương khi các cổ đông sáng lập không thể tiếp tục. Trong lúc đó, tôi lại cần ưu tiên thời gian, nguồn lực nhiều hơn để chăm sóc bố và gia đình”, Linh nhớ lại quãng thời gian khủng hoảng kéo dài hơn 3 tháng và luôn thường trực ý định giải thể Công ty.

Sau khi lo hậu sự cho bố xong, Linh bình tâm lại và suy nghĩ về lý do gây dựng Lamita. Linh muốn lan tỏa giá trị tích cực dựa trên các hoạt động cộng đồng, vì vậy, nếu dừng lại, trách nhiệm với hệ thống nhân sự cũng như niềm tin của mọi người trao cho cô sẽ như thế nào? Ai sẽ là người tiếp bước cho giá trị vì cộng đồng ấy được lan toả?

Lần lượt trả lời các câu hỏi ấy, Linh có thêm quyết tâm để vực dậy doanh nghiệp bằng việc tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình kinh doanh.

“Doanh nghiệp chỉ tan vỡ hay mất đi khi người sáng lập từ bỏ. Nếu không, mọi thứ vẫn còn nguyên và có thể tiếp tục phát triển”, Linh chia sẻ.

Sẽ nhượng quyền 200 phòng tập

Lamita đã có những cuộc đào thải nhân sự, nhiều buổi “chia tay trong nước mắt”, nhưng lúc đó, Linh buộc phải quyết tâm, vì cô xác định, nếu không cứng rắn, không chấp nhận thay đổi, thì không thể nào vực dậy được Lamita.

Sau 6 tháng tái cấu trúc, Lamita thực sự có bước chuyển ấn tượng: tăng trưởng doanh thu đạt 446%, số lượng huấn luyện viên tăng 150% chỉ trong 4 tháng và quan trọng nhất là sự gắn kết, tinh thần sẵn sàng chấp nhận thử thách của đội ngũ. 

Khó khăn nhất, nhưng cũng là động lực lớn nhất mà nhà sáng lập cùng đội ngũ đã làm được sau quá trình tái cấu trúc là xây dựng lại văn hóa. “Văn hóa của Lamita là nhiệt huyết, đam mê, chia sẻ, thẳng thắn và tôn trọng. Trước đây vẫn là những giá trị ấy, nhưng quản trị theo ‘tình chị em’, nên không hiệu quả”, Linh nói.

Linh cho biết, trước khi tái cấu trúc, các cổ đông chỉ muốn duy trì quy mô nhỏ, huấn luyện viên chỉ quan tâm mỗi tháng có bao nhiêu tiền lương...

“Chỉ giỏi chuyên môn không đủ để vận hành một mô hình kinh doanh thành công. Muốn làm được điều đó, cần tổng hòa nhiều yếu tố”, Linh chia sẻ. Cô cũng tiết lộ, Lamita đang xây dựng một mô hình kinh doanh mới mang tên Lamita Studio Owner, dự kiến ra mắt cuối năm 2019.

Theo đó, mỗi huấn luyện viên có thể sở hữu phòng tập riêng, Lamita sẽ tìm kiếm học viên và lo doanh thu. Đây là mô hình nhượng quyền, trong đó, Lamita chịu trách nhiệm đào tạo huấn luyện viên cốt lõi, cung cấp hệ thống công nghệ…

Linh đặt mục tiêu đến hết năm 2020, Lamita sẽ nhượng quyền được 200 phòng tập trên toàn quốc. Lamita cũng đang xây dựng trung tâm đào tạo huấn luyện viên nhằm chủ động phát triển đội ngũ.

Hiện, Thùy Linh nắm 60% cổ phần Lamita và vừa nhận được cam kết đầu tư 10 tỷ đồng đổi lấy 35% cổ phần từ bà Đỗ Liên - nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN.

Linh cho biết, Lamita đã sẵn sàng cho quá trình thẩm định đầu tư. Nếu có sự góp vốn, đặc biệt là kinh nghiệm từ doanh nhân Đỗ Liên, Lamita sẽ không chỉ dừng lại ở việc đưa vũ đạo và những hoạt động bổ ích tới nhiều người, mà hơn thế, sẽ truyền cảm hứng, tạo dựng cộng đồng vui vẻ, hạnh phúc và thành công

Ở phía ngược lại, nhà sáng lập LIAN bày tỏ sự thích thú với slogan của Lamita - “Lan tỏa năng lượng tích cực và đem lại giá trị hạnh phúc cho tất cả mọi người”, đồng thời kỳ vọng, có thể cùng Lamita “đem đến niềm vui cho 50% dân số Việt Nam”.

Sau 7 năm phát triển, Lamita đã thu hút được 10.000 học viên tham gia, trong đó có 2.000 học viên trung thành tại 50 điểm tập trên toàn quốc, 200 huấn luyện viên và hơn 1.000 bài tập chuyên biệt.

Năm 2018, Lamita đạt doanh thu 14 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 sẽ đạt 32 tỷ đồng, nhưng vì tái đầu tư chuyển đổi mô hình, nên biên lợi nhuận chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác