Gian nan khởi nghiệp
Sinh ra ở Campuchia, năm 1979, ông quay về TP.HCM với hai bàn tay trắng và lập nghiệp từ “3 không”: không người thân, không có vốn và không biết tiếng Việt Nam.
Bằng nhiệt huyết, quyết tâm và ý chí tự học hỏi, tìm tòi, ông đã trải qua đủ nghề, từ bốc vác, bảo vệ, thợ phụ cơ khí… Sau nhiều lần tiếp xúc với các lò bánh mì, sản xuất thử bánh ngọt, bánh bông lan…, đến năm 1984, ông quyết định khai trương cửa hàng đầu tiên của mình, với thương hiệu Đức Phát, mở tại TP.HCM.
Do tự bản thân đứng ra làm và chịu khó thay đổi hương liệu cho phù hợp khẩu vị của khách hàng, nên khách hàng ngày càng đông. Năm 1989, cửa hàng thứ hai ra đời và thời gian xuất hiện các cửa hàng sau luôn rút ngắn dần so với trước.
Khi mạng lưới có được hơn 20 cửa hàng thì năm 2007, một biến cố đã làm thay đổi tất cả. Ông phải khởi nghiệp lại từ đầu, với thương hiệu mới ABC. Nhưng dường như tuổi tác và khó khăn không hề làm ông nản lòng. Chính những thách thức đó là động lực để ông làm việc nhiều hơn và ABC, từ vài chục công thức bánh, đã phát triển lên hơn 400 loại bánh khác nhau.
Hiện ABC có 28 cửa hàng trong nước và 4 cửa hàng tại Campuchia. Bên cạnh đó, ABC còn xuất khẩu 4 - 5 container/tháng sang các thị trường Nhật Bản, Anh, Australia… Ngoài ra, ABC còn cung cấp toàn bộ bánh cho hệ thống KFC, Lotteria và một loạt thương hiệu sản xuất đồ ăn nhanh tại thị trường Việt Nam.
Ngoài làm bánh, ông còn là thành viên Ban giám khảo Cuộc thi Làm bánh quốc tế tại Paris (Pháp) và Chủ tịch Hiệp hội Ngành bánh kẹo người Hoa quốc tế năm 2010. Đây là những hoạt động mang đậm dấu ấn của cá nhân, nhưng khi đề cập, ông đều cho biết: “Tôi làm vì ABC là thương hiệu Việt. Khi những học trò của tôi được giải thưởng xuất sắc tại Cuộc thi Làm bánh tại Singapore hồi đầu năm 2010, Ban giám khảo xướng tên Kao Siêu Lực, tên ABC, tôi rất xúc động thấy họ tôn vinh ngành bánh Việt Nam”, ông không giấu vẻ tự hào.
Thông qua những cuộc thi quốc tế, ông đã khẳng định chất lượng bánh ABC và xây dựng niềm tin cho đội ngũ hơn 1.000 nhân viên. Đồng thời, việc mở thêm 20 cửa hàng trong và ngoài nước trong 4 năm (trong đó 2 năm trong thời kinh tế suy giảm) cũng là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông. Ông Kao Siêu Lực nhấn mạnh: “Quan điểm kinh doanh của tôi là không cho phép cơ hội vuột qua tầm tay. Thấy địa điểm nào thuận lợi là mở tiệm”.
Hiện nay, trong số các cửa hàng bánh ABC, có hơn 60% do ông sở hữu, phần còn lại là hợp tác với chủ nhà. Để tạo niềm tin cho đối tác, ông sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật làm bánh, cùng đầu tư theo tỷ lệ ông đóng góp 40% vốn, đối tác góp 60%. Khi cửa hàng đi vào kinh doanh, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ vốn góp. Sẵn tay nghề của một kỹ sư, ông còn chế tạo nhiều loại máy làm bánh phục vụ cho nhu cầu của xưởng cũng như các cửa hàng.
Quyết không giấu nghề
Được hỏi về điều làm ông ưu tư nhất trong suốt 30 năm làm nghề, ông không ngần ngại chia sẻ: “Điều buồn nhất khi làm nghề này là khi tôi muốn học, thì không có ai chỉ bảo một cách đàng hoàng, thậm chí nhiều người mời về còn cố ý giấu nghề. Chính từ bức xúc của mình, tôi quyết tâm không giấu giếm bất cứ điều gì với nhân viên, đối tác, miễn sao để sản phẩm họ làm dưới sự hướng dẫn của tôi phải thơm và ngon”, ông Lực chia sẻ.
Hiện nay, ông vừa là thành viên Ban giám khảo Cuộc thi Làm bánh quốc tế tại Paris (do Pháp đăng cai), vừa là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế (khu vực Đông Nam Á). Bên cạnh đó, ngoài việc nâng cao tay nghề, tham gia giảng dạy làm bánh trong và ngoài nước (Malaysia, Philippines, Singapore, Trung Quốc…), ông còn không ngừng cải tiến sản phẩm, tạo sản phẩm mới. Cụ thể, ông đang chuyển hướng nghiên cứu các loại nước trái cây lên men để làm bánh, với mục tiêu là làm sao nuôi phần men trái cây bỏ mật ong vào, lên men, rồi pha trộn với bột để có nguyên liệu thiên nhiên (trước đây, nguyên liệu chủ yếu là bột mì và trứng).
“Điều tôi hạnh phúc là trong cuộc đời có được một đội ngũ nhân viên tận tâm. Cuộc đời tôi còn có hạnh phúc nữa là được chia sẻ kinh nghiệm của mình”, ông Kao Siêu Lực tâm sự.
Hiện nay, bình quân mỗi tháng, ABC cho ra đời 1 - 2 sản phẩm mới. “Năm 2013, chúng tôi sẽ cho ra đời thêm 10 loại sản phẩm mới, phát triển ủ men bằng thiên nhiên. Hiện tại, ABC có trên 400 loại bánh, tất cả đều do Kao Siêu Lực tự làm ra”, ông tự hào nói.
Ông đi truyền nghề mà không nhận tiền thù lao và tự túc cả tiền ăn ở, vé máy bay. Ông chia sẻ: “Tôi chỉ mong ước làm cho ngành bánh Đông Nam Á ngày một phát triển. Đặc biệt, cái tên Việt Nam sẽ được nhắc đến trong sự thán phục của bạn bè quốc tế. Giúp được thêm một người biết làm bánh, tôi thấy rất vui. Với tôi, được chia sẻ là một niềm hạnh phúc”.
Giải thích về nguồn gốc thương hiệu ABC, ông Lực cười ngất rồi nói: “Thành công của tôi là từ sự động viên của 3 người con: Anglela (Kao Huy Minh), Bruch (Kao Hớn Phong) và Christine (Kao Huy Phương). Chính vì vậy, tôi quyết định ABC là “tích hợp” tên những đứa con của tôi với ngụ ý, kỳ vọng của tôi, nguồn lực sống của tôi chính là các con”.
Ước mơ “sứ giả” bánh Việt
Không chỉ dừng lại với mô hình cửa hàng làm bánh, ABC còn phát triển mô hình “cửa hàng bánh + cà phê”, theo mô hình cửa hàng thức ăn nhanh, nhưng đậm hương vị Việt Nam. “Đây cũng là nơi tôi tìm kiếm và thử nghiệm công thức mới và đo lường cảm nhận của khách hàng”, ông Lực cho biết.
Với câu hỏi về áp lực đối với sản phẩm mới này của ABC trước sự đổ bộ ồ ạt của các thương hiệu nước ngoài trên thị trường bánh, ông Kao Siêu Lực lạc quan cho biết: “Kể cả với sự có mặt của các hãng nước ngoài, với dân số 90 triệu người, thị trường bánh tươi ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội. Những năm gần đây, thói quen ăn uống của người Việt Nam đã thay đổi. Bánh tươi không phải là món ăn chính, nhưng đã trở thành gu ẩm thực mới, đặc biệt là với người tiêu dùng thành thị và giới trẻ. Singapore chỉ có hơn 3 triệu dân, mà có khoảng 600 tiệm bánh tươi, như thế tiềm năng để phát triển bánh tươi ở Việt Nam vẫn còn vô cùng lớn”.
Do vậy, ngoài 2 xưởng bánh lúc nào cũng phải làm hết công suất, ông đang có kế hoạch trong năm 2013 sẽ đầu tư khoảng 4 triệu USD mở thêm xưởng làm bánh mới phục vụ thị trường nội địa và hợp tác với đối tác để xuất khẩu bánh đi một số thị trường như Nhật Bản, Australia, Anh.
Ngoài ra, ông đang nghiên cứu một thương hiệu bánh mới với nguồn nguyên liệu chính là gạo Huyết Rồng, một loại gạo đầy đủ chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng chưa được đầu tư và phát triển một cách đúng mức.
“Tôi cũng đang ấp ủ một kế hoạch cho một thương hiệu bánh mới hoàn toàn mang bản sắc văn hóa Việt Nam, một sản phẩm của nhiều thế hệ người Việt đã và đang dùng là bánh mì, nhưng sẽ được đầu tư nâng cấp cả về chất lượng, thương hiệu và cung cách phục vụ hiện đại theo đúng những mô hình cửa hàng đồ ăn nhanh của nước ngoài. Nếu chiến lược này thành công, tôi sẽ tính tới việc mở rộng mạng lưới và không loại trừ việc phát triển theo mô hình nhượng quyền thương hiệu, đặc biệt là tại thị trường nước ngoài. Tại sao các thương hiệu lớn nước ngoài vào Việt Nam, mà Việt Nam lại không xây dựng một thương hiệu lớn để ra nước ngoài”, ông Lực băn khoăn.
Để sớm đưa dự án này thành hiện thực, ngoài việc quản lý các cửa hàng, ông Kao Siêu Lực còn ngược xuôi về các miền quê tìm nguồn nguyên liệu phù hợp, đảm báo chất lượng sản phẩm.
Trò chuyện với “vua bánh” Kao Siêu Lực Bận rộn thời gian như thế, làm sao ông có thể cân bằng cuộc sống của mình? Tennis. Ngày nào tôi cũng dành 2 tiếng để đánh với một nhóm bạn, từ 6 giờ đến 8 giờ tối. Tại sao ông lại chọn tennis? Tôi có một bác sĩ riêng, ông ấy cũng chơi tennis và khuyên tôi nên chơi môn này để bảo vệ sức khỏe. Để đánh tennis hay, người chơi phải tính toán khá nhiều về tốc độ, lực đánh… mà đây lại là sở trường của tôi. Ông dự định phát triển ABC theo mô hình nào? Tôi muốn người nước ngoài khi đến các cửa hàng ABC đều biết được, đó không phải là các tiệm ăn nhanh (fastfood) quốc tế, mà hoàn toàn “made in Việt Nam”, với bánh ngon, cà phê ngon, không gian mát mẻ, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, dịch vụ tốt và thái độ phục vụ thân thiện. Tài sản quý nhất của ông và ABC là gì? Nhiều thứ có thể thay đổi, nhưng tôi tin rằng, uy tín là quan trọng nhất. Có uy tín đã khó, giữ được uy tín còn khó hơn. Bánh có chất lượng, có ngon mình mới có thể mở rộng, phát triển nhiều cửa hàng. Dù có mở bao nhiêu cửa hàng bánh mới đi nữa, tôi vẫn luôn ưu tiên chất lượng. Giữ được chất lượng, người tiêu dùng sẽ không bao giờ bỏ mình. Tôi tâm niệm 4 điều có thể giúp mình vững vàng, đó là: QSCT (Quality, Service, Clean, Time - Chất lượng, Dịch vụ, Sạch sẽ, Kịp thời). Muốn bánh có chất lượng phải thỏa mãn 3 điều: nguyên liệu tốt, kỹ thuật giỏi và thiết bị hiện đại. |
Bảo Giang - Thanh Tân