Lễ dựng cây nêu mở đầu cho lễ tết trong cung đình (ảnh nguồn: Internet) |
Theo một số sử sách ghi lại, lễ Tết trong cung đình Huế bắt đầu từ ngày mồng Một tháng Chạp hàng năm với lễ Ban sóc. Ban sóc là lễ phát hành lịch do Khâm thiên giám soạn từ trong năm, được tổ chức tại điện Thái Hòa, nhưng từ năm 1840 thì tổ chức tại Ngọ Môn. Nhà vua thân hành dự lễ và tuyên chỉ ban lịch cho bá quan trong triều và cho các tỉnh thành trong nước.
Sau lễ Ban sóc, triều đình bắt đầu ngưng giải quyết các công việc sự vụ cho đến thượng tuần tháng Giêng. Nếu năm nào tiết Lập xuân đến sớm thì có thêm lễ Nghinh xuân, tổ chức đúng vào ngày Lập xuân. Lễ Nghinh xuân thời Nguyễn tượng tự lễ Tiến xuân ngưu thời Lê, nhưng không tổ chức ở ngoài đồng mà diễn ra ở cửa Chánh Đông của Kinh Thành Huế và do quan Phủ doãn Thừa Thiên chủ trì. Lễ vật chính trong lễ này là một con trâu bằng đất để dâng tế thần Câu Mang (thần mùa xuân) nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mạ xanh thóc tốt và tống tiễn khí lạnh mùa đông, đón mừng xuân mới.
Tiếp đến là lễ Phất thức, tức là lễ lau chùi ấn tỷ và kim sách của triều đình. Lễ diễn ra tại điện Cần Chánh và chỉ có các quan từ hàm nhất, nhị phẩm trở lên và các quan viên trực tiếp làm việc tại Nội Các và Cơ Mật Viện mới được tham gia.
Ngày 30 Tết, triều đình cử hành lễ Cáp hưởng, tức là lễ mời các vị tiên đế về “ăn Tết”. Nhà vua thân hành đến Thái Miếu hoặc Thế Miếu làm chủ lễ. Sau lễ Cáp hưởng, triều đình làm lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu) ở trước điện Thái Hòa. Đến tối 30 Tết, toàn Kinh Thành mới đốt pháo dựng nêu.
Ở trong triều, quan Hữu ty chuẩn bị thiết đại triều ở điện Thái Hòa và thiết thường triều ở điện Cần Chánh. Ngự tọa (ngai vàng) thiết ở chính thất điện Thái Hòa, phía trước có đặt hoàng án với đỉnh trầm ngút khói để thêm phần trang trọng cho buổi lễ. Chỉ có quan lại thuộc hàng nội thân mới được “thượng điện”. Bá quan văn võ từ tam phẩm trở lên đứng ở thềm điện, từ tứ phẩm trở xuống chầu dưới sân rồng.
Tờ mờ sáng mồng Một, sau hồi trống lệnh thứ ba, lá cờ vàng đại lễ được kéo lên Kỳ Ðài. Hoàng Thành rợp sắc cờ khánh hỉ và rộn ràng tiếng nhạc và điệu múa của quân nhạc và ca sinh. Vua ra ngự ở điện Cần Chánh rồi lên kiệu, qua Ðại Cung Môn đến điện Thái Hòa.
Lễ Vạn Tuế mừng tết nhà vua là nghi lễ quan trọng nhất. Vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, thắt đai ngọc lên ngồi ở ngai vàng, ở cửa Ngọ Môn nổi lên 3 hồi trống cùng tiếng súng Thần công nổ vang trời. Sau khi đội nhạc tấu bài Lý bình, các quan cùng dâng những tờ hạ biểu (viết lời chúc phúc) và lạy đủ 5 lạy, đồng thanh tung hô: “Chúng thần cầu chúa thượng vạn tuế, vạn tuế”. Nghi lễ hết sức tôn nghiêm.
Sau lễ, theo lệ các quan ai về nhà nấy. Tuy nhiên đến thời vua Bảo Đại, do tiếp thu văn hóa phương Tây nên vua dẫn các quan cùng vị khách phương Tây vào điện Cần Chánh để mời mọi người một ly rượu sâm panh. Lễ nghi trong cung vua vẫn giữ nhưng riêng khi ăn cỗ, nếu tục xưa vua chỉ ăn cỗ Tết một mình thì vua Bảo Đại lại ăn cùng mâm với vợ con.
Trong những ngày Tết, các vua Nguyễn thể hiện sự hiếu thảo bằng việc tổ chức lễ mừng Thái hậu. Các phi tần của vua Thành Thái cũng được vua Bảo Đại mời vào cung ăn Tết. Riêng con cháu hoàng tộc, ngày Tết được vào cung, thả sức chạy nhảy và được ăn những món ngon.
Ngày đầu năm nhà vua mừng tuổi cho những người vào cung một đồng tiền vàng tùy theo thứ bậc. Riêng các quan đại thần được vua ban quà Tết, thường là bộ y phục hoặc một xấp vải dệt hoa để các quan tự may áo. Quà được bỏ trong những cái tráp thếp vàng chạm hình rồng rất đẹp.
Cũng trong ngày mồng một Tết vua còn thân hành đến làm lễ Tế hưởng tại các miếu thờ tổ tiên trong Ðại Nội như Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu... Từ mồng 3 đến mồng 5 Tết vua thường đi thăm các bậc ân sư, đi lễ các chùa, viếng thăm lăng tẩm của tiên đế hay thực hiện các cuộc du xuân ra ngoài Kinh Thành để xem xét dân tình ăn Tết và thưởng xuân.
Ngày mồng Bảy, triều đình làm lễ Khai hạ (hạ cây nêu), quan viên các nha, bộ làm lễ khai ấn, bỏ niêm phong, tượng trưng cho việc bắt đầu một năm làm việc mới. Ngày mồng Tám triều đình làm lễ Cáp hưởng đầu năm tại các miếu và đưa tiễn linh hồn tiên đế các về chốn cũ sau kỳ hưởng Tết. Tuy nhiên phải đến sau lễ Nguyên tiêu vào ngày Rằm tháng Giêng thì Tết trong cung đình mới thực sự chấm dứt.