Doanh nhân
"Vua hồ tiêu" Phan Minh Thông: Kẻ thù của doanh nhân là thói quen
Đại Phúc - Bảo Minh - 13/06/2015 10:10
“Vua hồ tiêu” Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng, hai yếu tố quan trọng góp vào thành công của người kinh doanh là sức sáng tạo và sự chăm chỉ.

1.
26 tuổi, Phan Minh Thông lập doanh nghiệp. Lúc đó là năm 2001, sau khi ông quyết định rời vị trí nhân viên phòng xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (PITCO), thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex.
“Chăm chỉ làm việc ở PITCO hơn một năm, từ xây dựng hệ thống xuất khẩu hồ tiêu, tìm kiếm khách hàng… Mọi việc đang thuận lợi nhưng tôi muốn làm việc của riêng mình” ông Phan Minh Thông chia sẻ. Song tuổi đời và cả tuổi nghề quá ít của ông khiến có người đánh cược rằng, chậm nhất trong ba năm, Phúc Sinh sẽ phải bỏ cuộc.

Nhưng 14 năm đã trôi qua, từ  một công ty "bé hạt tiêu" có 5 người, với số vốn ban đầu 800 triệu đồng, Phúc Sinh đã liên tục dẫn đầu thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam với số vốn hiện đã tăng lên 50 tỷ đồng và vẫn đang lớn tiếp. Ông chủ trẻ Phan Minh Thông còn được một số bạn bè đặt cho tên gọi “Vua hồ tiêu”.

 

Nhớ lại, ông Thông thừa nhận, khó khăn vô vùng lớn, nhất là khi hoạt động xuất nhập khẩu cần vốn lớn, tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân, lại mới thành lập, khi đó vô cùng khó.

“Cách làm của tôi là thuyết phục khách hàng thanh toán tiền trước khi ký hợp đồng. Đổi lại, tôi cam kết đảm bảo cung ứng nguồn hàng đúng chất lượng, số lượng. Tôi tự xem mình như là người đại diện của họ tại Việt Nam. Khách hàng yên tâm và cả hai cùng có lợi. Nguồn khách đến với Phúc Sinh ngày càng đông”, ông Thông nhớ lại.

Tất nhiên, từ nói được và làm được không hề dễ dàng. Còn khó khăn hơn khi thuyết phục được đối tác thường là những doanh nghệp lớn, muốn làm ăn với “người lớn”. Kiến thức của sinh viên Trường đại học Ngoại thương Hà Nội bắt đầu phát huy, nhất là bài học về thương hiệu cá nhân.

“Tôi nhớ mãi khi một gia đình ba đời kinh doanh làm gia vị ở Mỹ đã chấp nhận chuyển trước  cho tôi khoảng 2 triệu USD chỉ sau nửa tiếng đồng hồ làm việc trực tiếp. Niềm tin của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất để tôi mở cánh cửa kinh doanh của mình. Nhiều năm sau đó, năm 2011, một khách hàng đã đồng ý đứng ra bảo lãnh cho tôi vay tiền ngân hàng, thay vì trả tiền cho tôi hàng tháng. Phải biết rằng năm đó, khi nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, thì quyết định này với chúng tôi là một phần thưởng to lớn về niềm tin mà chúng tôi đã tạo dựng được”, ông Thông chia sẻ.

2.
Về bí quyết kinh doanh, ông Thông cho rằng, yếu tố “cần” đầu tiên là tuổi trẻ. Cái tuyệt vời của tuổi trẻ là sự nhiệt tình, không biết ngại khó, ham mê gì thì lao tới. “Tuổi trẻ còn mang đến sức sáng tạo, khả năng thay đổi mà có thể các doanh nhân kỳ cựu sau này khi nhớ lại chặng đương đầu tiên của mình sẽ nhớ đến với nhiều tiếc nuối nhất”, ông Thông tâm sự.
Khi vào Nam lập nghiệp năm 2000, mục tiêu của chàng trai trẻ Phan Minh Thông là tìm một  tương lai sáng sủa. Vì vậy, Thông bước vào kinh doanh bằng tất cả sự háo hức, tự tin của tuổi trẻ, trước mắt chỉ tiến, không có đường lui.

“Vậy nên, năm đầu dù kinh doanh lỗ 500.000 USD, tương đương 1 tỷ đồng, tôi vẫn không nản mà ngược lại, càng quyết tâm làm cho bằng được. Nhưng trong thành công của Phúc Sinh, yếu tố đủ không thể thiếu là sự nỗ lực thay đổi và không đi theo lối mòn”, Phan Minh Thông nói.

“Tôi nhớ là nhiều doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy khó khăn khi khách hàng yêu cầu đóng bao 25 kg cho phù hợp luật lao động ở nước ngoài về khiêng vác hoặc yêu cầu đóng bao 15 kg cho những lô hàng chất lượng cao. Lý do là bao năm nay, họ quen đóng bao truyền thống 60 kg. Cũng vì thói quen mà người nông dân bán tiêu chỉ bán đổ đồng, bán xô, chứ không chọn ra hạt tiêu lớn để bán giá cao hơn dù họ biết”, ông Thông tâm sự.

Phúc Sinh lớn lên chính từ việc không ngại thay đổi, không ngại đơn hàng đặc biệt. Thời điểm đó, trên thị trường xuất hiện loại tiêu trắng, nhưng chỉ có Malaysia, Indonesia sản xuất, còn Việt Nam thì không hề có một hạt tiêu trắng nào. Ông Thông kể, ông đi tới các nhà cung cấp tại Việt Nam để hỏi tại sao không sản xuất tiêu trắng. Câu trả lời của đa số là  khó làm và cũng chưa sẵn sàng để làm.

“Nhưng kinh doanh thì không thể vì khó mà lơ đi cơ hội làm ăn. Để thử nghiệm, tôi đặt nhà cung cấp sản xuất thử một tấn tiêu trắng. Sau đó, mỗi tháng Phúc Sinh bán ra cả chục container tiêu trắng. Dòng tiền của Phúc Sinh khấm khá lên từ đó”, ông Thông không giấu bài học thành công của mình.

Không phải lần đầu, ông nói về điều này. Trong mỗi dịp chia sẻ kinh nghiệm với doanh nhân trẻ khởi nghiệp, ông Thông vẫn kể câu chuyện “đi khác số đông của riêng mình cho dù sự thay đổi đó không hề lớn lao gì”. Ví như cách chọn hạt tiêu lớn để bán cho những khách hàng có nhu cầu thay vì bán đổ đồng. Hoặc khi các doanh nghiệp đang làm tiêu bình thường, thì Phúc Sinh đầu tư nhà máy sản xuất tiêu sạch. Khi các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất tiêu sạch, thì Phúc Sinh đã đi đến giai đoạn làm tiêu tiệt trùng.

“Tôi chấp nhận đầu tư để gia tăng giá trị sản phẩm, chỉ cần đầu tư, thay đổi bao bì thêm 5, 10 USD, sản phẩm đã được tăng thêm giá trị và giá bán sản phẩm cũng sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Thông nói.

Là người trẻ, nên Phan Minh Thông rất mê công nghệ thông tin. Thậm chí, ông cho rằng, chính công nghệ thông tin đã khai sáng ông, mang lại hiệu quả rõ nhất cho Phúc Sinh.
“Tôi chỉ tính đơn giản là nhờ công nghệ thông tin, công việc kinh doanh của tôi đỡ tốn thời gian, hữu ích hơn và đơn giản hơn, từ đó kiểm soát công việc dễ dàng hơn. Tất nhiên, công nghệ thông tin không phải “chìa khóa thần” nhưng nếu hiểu và vận dụng tốt thì đó là công cụ đắc lực”, ông Thông tâm đắc khi các khoản đầu tư cho công nghệ thông tin cũng có thể coi là làm nên sự khác biệt của Phúc Sinh với các doanh nghiệp trong ngành.

3.

Hiện giờ, Phúc Sinh đang thử sức ở một lãnh địa mới và gai góc là cà phê. “Không phải ngẫu nhiên đâu, nhiều khách hàng mua tiêu yêu cầu cung cấp thêm cà phê. Khách hàng muốn sao mình không đáp ứng, nhất là khi tôi đang là doanh nghiệp Việt Nam, ở thị trường xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới”, ông nói khi quyết mạo hiểm vào thị trường tưởng như đã phân định rõ người chơi,

Là người mới, ông Thông thừa hiểu là vất vả hơn, đầu tư lớn hơn để ngay từ đầu đạt theo tiêu chuẩn ISO 22.000, có phòng thí nghiệm, phòng thử nếm, pha chế cà phê và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng 17025...

Làm cà phê, ông Thông lại học thêm nhiều thứ. Đối với ngành cà phê, thì sự sáng tạo là yếu tố tối thượng, bởi đây là ngành khá đặc biệt. Trên thế giới, ông kể, các công ty kinh doanh cà phê thường rất tự phụ, có công ty 60 người chỉ làm một lĩnh vực cà phê, vì cà phê có rất nhiều việc nếu biết làm.

Khi chuyển từ bán cà phê thô sang cà phê tinh, việc thử nếm cà phê là rất cần thiết nhưng không ai có đủ kinh nghiệm để thử nếm. Vì vậy, Phúc Sinh đã đầu tư kinh phí để tuyển ba, bốn chục chuyên gia từ nước ngoài về dạy, thuê băng đĩa từ Anh, Mỹ, châu Âu về tham khảo… Trong 5 năm vừa qua, Phúc Sinh đã đào tạo được một đội ngũ chuyên viên khá đông biết thử nếm cà phê, đủ trình độ nói chuyện với công ty nước ngoài về chất lượng và giá cả cà phê.

Năm 2014, trong khi các doanh nghiệp cà phê đầu ngành thua lỗ nặng thì Phúc Sinh đã xuất gần 50.000 tấn với doanh thu hơn 4.700 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 50% so với năm 2013, dù kế hoạch lúc đầu đặt ra chỉ 40.000 tấn và đứng vào top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất.

Nhưng việc vẫn còn nhiều. Năm nay, Phúc Sinh bắt đầu làm "lý lịch" cho cà phê, vì muốn bán được hàng giá cao, muốn giúp khách hàng phân biệt cà phê chỗ này, chỗ kia khác nhau thế nào... thì phải có giấy tờ chứng minh.

“Tôi vẫn nhắc nhở nhân viên và chính mình rằng, phải quên đi những thành tích đã qua và phải bắt đầu xây dựng lại sự khác biệt từng tháng một. Kinh doanh là phải thế, sáng tạo không ngừng và làm việc phải đến nơi, đến chốn”, ông Thông khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác