- Năm 2030, Đồng Nai trở thành “hạt nhân” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
- Ninh Thuận phê duyệt Đề án Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
- [Infographic] 15 năm phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (2005-2020)
- Thủ tướng chủ trì hội nghị về vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Sau một năm đầy khó khăn và “tụt dốc”, năm 2024, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều đặt mục tiêu tăng trưởng rất cao, dù dự báo tình hình khó khăn còn tiếp diễn.
Đầu tàu kinh tế TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5 - 8%. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, đây là chỉ tiêu rất cao, là thách thức rất lớn của Thành phố. Tuy nhiên, các Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu Thành phố phải tăng trưởng GRDP từ 8% mỗi năm. Do đó, Thành phố đề ra mục tiêu trên để phấn đấu và phải có giải pháp đột phá.
Trong các địa phương phía Nam, năm 2024, TP.HCM có nhiều thuận lợi hơn khi chính sách đặc thù của Trung ương dành cho Thành phố bắt đầu phát huy tác dụng, hàng loạt dự án sẽ được đầu tư theo chính sách đặc thù. Cộng với các cơ chế ưu đãi vượt trội khác để cải thiện môi trường đầu tư, năm 2024 hứa hẹn là năm mà đầu tàu TP.HCM sẽ tăng tốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nước.
Với tỉnh Bình Dương, chỉ tiêu tốc độ tăng GRDP năm 2024 được đặt ra là từ 8 - 8,5%, cao hơn cả TP.HCM. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với quyết tâm cao nhất, tỉnh này tiếp tục đưa ra những giải pháp đồng bộ làm đòn bẩy tăng tốc. Trong đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối giữa các khu vực công nghiệp và đô thị, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý về giao thông và vận tải, giúp tối ưu hóa luồng hàng hóa và giảm thời gian di chuyển.
Theo Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và tham mưu cho tỉnh bộ tiêu chí thu hút đầu tư có chọn lọc áp dụng trên địa bàn. Ngoài các tiêu chí đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, Bình Dương đang xây dựng tiêu chí suất đầu tư trên một đơn vị diện tích đất và lao động để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút đầu tư có chọn lọc.
Với nhiều biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài, thì khả năng thu hút đầu tư cũng như giữ chân nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới tại Bình Dương là khả dĩ, bởi bên cạnh nỗ lực của địa phương, thì Quốc hội và Chính phủ đã không ngừng đẩy nhanh việc rà soát hệ thống pháp luật, nhằm bảo đảm các quy định thống nhất, chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp.
Trong khi Bình Dương, TP.HCM đặt chỉ tiêu tăng GRDP khá cao trong năm 2024, thì Đồng Nai là địa phương đặt chỉ tiêu thấp nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với 6,5-7%. Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để đạt được các chỉ tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2024, các sở, ngành, địa phương phải khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay liên quan đến khâu chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công.
Song song với giải ngân đầu tư công, năm 2024, Đồng Nai tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để phục hồi kinh tế. Chỉ khi giải ngân hết số đầu tư công được giao và tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi trở lại, thì tốc độ tăng GRDP đề ra mới nằm trong tầm tay.
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, năm 2024, dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương sẽ tăng khi quy hoạch của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và một số dự án hạ tầng được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn chưa thể đón được các dự án lớn vì thiếu quỹ đất công nghiệp.
“Những năm tới, Đồng Nai tiếp tục kiên định với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, chuyển hướng sang thu hút đầu tư các dự án công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động để hướng đến phát triển bền vững”, ông Nguyên nói.