Đầu tư Phát triển bền vững
Vượt khó khăn, doanh nghiệp dũng cảm đầu tư ESG vì tầm nhìn tương lai
D.Ngân - 23/05/2024 16:31
Để thay đổi, chuyển sang phát triển xanh ESG, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, chi phí đầu tư lớn, song hơn hết họ vẫn dũng cảm đầu tư vì tầm nhìn của tương lai.

Chia sẻ tại Hội thảo "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức ngày 23/5, ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Én Vàng Quốc tế đã chia sẻ về hành trình thay đổi của doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty cổ phần Én Vàng Quốc tế.

Ông Định chia sẻ, trong dịp sang Trung Quốc và Mỹ, ông thấy xe điện ở các quốc gia này rất nhiều và phổ biến, ông đã có ý nghĩ mong muốn có ngày đưa dịch vụ của công ty sử dụng xe điện.

Cách đây vài năm, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện tại Việt Nam còn chưa phổ biến, nên Chủ tịch HĐQT Én Vàng nhận thấy việc này khó khả thi.

Tuy nhiên, Hội nghị COP26 diễn ra là cơ hội và bước ngoặt lớn cho Én Vàng. Các cổ đông quyết định từ năm 2024 không đầu tư xe xăng, chuyển sang đưa xe điện vào vận hành kinh doanh.

Việc ký kết hợp tác với Vinfast như bàn tay nối dài đưa xe điện đến với nhiều khách hàng, Én Vàng đặt mục tiêu giảm các chi phí khác bởi đi xe điện tiết kiệm hơn so với đi xe xăng.

Để thay đổi, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, chi phí đầu tư lớn. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng, doanh nghiệp đầu tư hết một vòng đời sản phẩm mới thay đổi, nên khi dừng xe xăng, số lượng xe đi đâu cũng là một vấn đề. Hướng tới xe điện là xu hướng của tương lai, việc thay đổi này giúp công ty đóng góp một phần cho bảo vệ môi trường.

"Chúng tôi làm vận tải, đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường hàng ngày, nên việc thay đổi để môi trường tốt hơn là cấp thiết", ông Định nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty Én Vàng thông tin kết quả thực tế đã được ghi nhận bằng chính trải nghiệm của khách hàng và quá trình vận hành an toàn. Chi phí vận hành rẻ hơn 20-30% so với chi phí sử dụng xe xăng, chi phí bảo hành, bảo trì cũng rẻ hơn.

Theo ông Định, Hải Phòng luôn vận động doanh nghiệp đi tiên phong trong phát triển xanh, bền vững, nhưng cho đến nay chưa có hỗ trợ cụ thể. Doanh nghiệp cố gắng lấy giá cước xe điện như xe xăng, hy vọng thời gian tới sẽ có những chính sách cụ thể hỗ trợ để doanh nghiệp có niềm tin hơn, mạnh dạn thay đổi để tiến tới hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Hiện nay, những doanh nghiệp taxi lớn như Mai Linh, Vinasun chưa dám đầu tư xe điện vì câu chuyện tồn tại. Tôi hoàn toàn không ân hận khi chuyển sang xe điện. Năng lượng mặt trời nếu được tận dụng tốt sẽ góp phần giảm thiểu chi phí cho xe điện. Chúng tôi tin tưởng vào lựa chọn của mình", ông Định nhấn mạnh thêm.

Còn theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, CEO Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS (WBS), mục tiêu của WBS là khởi tạo thương mại đa phương và kết nối kinh tế bền vững. Doanh nghiệp mong muốn được đồng hành dài hạn cùng các doanh nghiệp trong hành trình phát triển xanh, thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ. 

Sự ra đời của RIS.ER24 với chuỗi sự kiện sẽ lần lượt được tổ chức từ nay tới cuối năm 2024, mang ý nghĩa chia sẻ và kết nối.

"Tại đây, WBS mong muốn tạo nên diễn đàn thường xuyên để lắng nghe những kiến giải sâu sắc, những ví dụ sinh động từ các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức hàng đầu của quốc tế và trong nước và từ chính những doanh nghiệp đi tiên phong mà chúng tôi gọi là các Risers, hay những doanh nghiệp đang nỗ lực bứt phá - những Rapidiers, gọi chung là Ris.er, để hình dung được phần nào những cơ hội mà ESG đem lại cho cộng đồng kinh doanh đang hết sức nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong một môi trường kinh doanh đầy áp lực và biến động", bà Quỳnh Như nói về sứ mệnh của RIS.ER24

Là một trong những đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu tại Việt Nam, với công suất hiện tại khoảng gần 700 MW, sắp tới với việc phát triển thêm điện sinh khối, sản xuất điện từ rác thải sinh hoạt…, công suất có thể nâng lên 2GW, theo ông Nguyễn Giang Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Tài trợ dự án, BCG Energy, thì việc phát triển năng lượng hoá thạch tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường: khai thác than, dầu khí dẫn tới xói mòn đất đát, thềm lục địa… Thủy điện cũng gây nhiều biến đổi cho môi trường xung quanh…

Ông Nguyễn Giang Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Tài trợ dự án, BCG Energy phát biểu tại Hội thảo.

Việt Nam đang đặt mục tiêu tiến tới Net Zero, trong quá trình này, theo ông Nam, việc phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu. Dự kiến, để đạt được Net Zero, năng lượng tái tạo phải chiếm tới trên 70% nguồn cung ứng điện cho xã hội. 

"Theo đó, chúng tôi đang đi đúng định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu bền vững", ông Nam chia sẻ. 

Cuối năm 2023, BCG Energy tiến hành M&A Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa - đơn vị đã được cấp phép đầu tư xử lý tồn đọng rác thải sinh hoạt, từ đó tạo ra nguồn năng lượng sạch. Hiện nay, Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại TP.HCM, Long An, Kiên Giang.

Trước đó, trong tháng 8/2023, BCG Energy đã ký kết hợp tác với 1 công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á. Điều đó cho phép Công ty minh bạch lượng phát thải của Tập đoàn, các công ty thành viên, bởi việc thực thi ESG trong thực tế vận hành của doanh nghiệp tạo ra uy tín với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thông qua việc này, BCG Energy đã thu hút được 60 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài, cũng như có được niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác tại Việt Nam. Có thể nói, có nhiều lợi ích mà tập đoàn đã nhận được từ việc thực hành ESG.

Các đại biểu tham dự Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/5.

Còn theo ông Phan Đăng Bảo, chuyên gia phát triển bền vững, Công ty cổ phần Tái chế nhựa Lam Trân, doanh nghiệp không chỉ nhấn mạnh vào việc tái chế bao bì nhựa mềm, mà còn cam kết mạnh mẽ với nguyên tắc ESG.

Doanh nghiệp không chỉ đặt mục tiêu giảm lượng rác nhựa thải vào môi trường, mà còn tận dụng cơ hội để tạo ra những giải pháp bền vững, tăng cường cộng đồng và thúc đẩy quản trị hiệu quả trong mọi hoạt động kinh doanh. 

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Lam Trân luôn mục tiêu hướng đến các giải pháp bền vững, nâng cao chất lượng của sản phẩm để có thể tối ưu và bảo vệ nguồn tài nguyên. 

Hiện nay, công suất tái chế thành phẩm của Lam Trân ước chừng khoảng 1.000 tấn/tháng, tương đương 2.000 tấn nguyên vật liệu rác thải nhựa mềm bao gồm túi nhựa nilon, bao bì thực phẩm... 

Mặc dù vậy, việc thu gom, phân loại rác thải nhựa mềm ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại vẫn chưa có một tiêu chuẩn, cách thức thu gom, phân loại rõ ràng tại nguồn.

Để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, Lam Trân phải xây dựng tiêu chuẩn cho nguồn phế liệu đầu vào, đồng thời xây dựng đội ngũ thu gom và phân loại trong nước, đi tới từng hiện trường, từng điểm thu gom để khảo sát, đánh giá và đưa ra các phương án hiệu quả nhất.

Tất cả các hàng rác thải nhựa mềm khi tới nhà máy đều được đánh giá dựa theo tiêu chuẩn của cty và xử lý theo từng lô hàng. Việc thu gom, phân loại không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt tái sinh đầu ra. Vì vậy chúng tôi luôn phải thực hiện rất cẩn thận và tỉ mĩ ở khâu này.

Cũng theo ông Bảo, doanh nghiệp mong muốn sẽ tiếp tục có thêm nhiều hỗ trợ để có thể phát triển hệ thống thu gom, xây dựng các cơ sở thu gom, phân loại chính thống.

"Việc áp dụng quy định về EPR trong năm nay sẽ là bước đệm, hy vọng sẽ tạo động lực để thúc đẩy công cuộc tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam, hướng đến sự phát triển bền vững", ông Phan Đăng Bảo nói thêm.

Tin liên quan
Tin khác