Rạng danh đất Việt
Cuối năm 2017, Hiệp hội Công tố viên người Mỹ gốc châu Á (AAPA - hội đồng gồm những công tố viên với sứ mệnh cam kết về sự toàn vẹn, công bằng và bảo hộ an toàn cho cộng đồng) tại Hoa Kỳ đã tổ chức vinh danh những lãnh đạo cộng đồng đã đóng góp nhiều trong lĩnh vực xây dựng cộng đồng. Một lần nữa, doanh nhân David Dương đã làm rạng danh người Việt trên toàn thế giới, khi là doanh nhân gốc Việt duy nhất được nhận giải thưởng người có đóng góp nổi bật cho cộng đồng châu Á.
Ông David Dương được biết đến như “người tiên phong” trong xử lý rác thải tại Việt Nam. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc California Waste Solutions (CWS - một trong những công ty xử lý rác hàng đầu tại Hoa Kỳ), đồng thời là chủ đầu tư Khu liên hiệp Xử lý chất thải Đa Phước tại Việt Nam (Vietnam Waste Solution - VWS). VWS do ông làm chủ được hình thành từ năm 2007, với một nhà máy hiện đại và công nghệ xử lý tiên tiến được cập nhật vào thời bấy giờ.
Ông David Dương |
Buổi lễ vinh danh những lãnh đạo cộng đồng đã đóng góp nhiều trong lĩnh vực xây dựng cộng đồng được tổ chức tại California, với sự tham dự của đại diện các cơ quan thực thi pháp luật, các thẩm phán, các biện lý, doanh nhân và luật sư châu Á. Tại buổi lễ, đại diện chính quyền bang California đã tham dự và vinh danh những cá nhân đã có đóng góp tích cực cho cộng đồng với mong muốn xây dựng cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.
Ông David Dương được vinh danh với tư cách là Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc CWS, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Hoa Kỳ. Phát biểu tại lễ vinh danh, đại diện AAPA cho biết: “Năm 1986, David di chuyển đến Oakland và bắt đầu thành lập Công ty CWS vào năm 1992. Với 62% nhân viên là cư dân Oakland, CWS đã đem lại việc làm cho người dân địa phương. Tôi đánh giá cao tất cả những việc ông David Dương đã đóng góp cho cộng đồng”.
Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Hoa Kỳ, ông David Dương được vinh danh vì đã nỗ lực không ngừng nghỉ, kết nối được các doanh nghiệp Việt với nhiều ngành nghề khác nhau; làm cầu nối và liên hệ trực tiếp đến các lãnh đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng…
Đầu tư vì quê hương
Không chỉ thực hiện các dự án lớn ở Mỹ, gần 10 năm nay, ông David Dương liên tục đầu tư về quê hương. Hai dự án lớn nhất Việt Nam về xử lý rác hiện nay được Chính phủ Việt Nam đánh giá cao là Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước do VWS đầu tư có tổng giá trị hơn 150 triệu USD và Dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An có tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Hiện tại, Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng hằng năm. Đây là khu xử lý rác hiện đại với công nghệ tiên tiến của thế giới, mỗi ngày tiếp nhận và xử lý hơn 6.000 tấn rác của TP.HCM. Rác không chỉ được chôn lấp xử lý theo tiêu chuẩn, mà còn tạo ra nhiều lợi ích, như một lượng rác được nhà máy phân loại làm phân compost, nước rỉ rác được xử lý qua công nghệ hiện đại để dùng lại cho các sinh hoạt.
Tuy nhiên, sự phát triển của TP.HCM và lượng rác tăng mạnh đòi hỏi công nghệ xử lý khác. “VWS đã mời các chuyên gia từ Mỹ về. Kết hợp với kinh nghiệm xử lý nhiều năm, chúng tôi biết được chủng loại, thành phần của rác. Do vậy, từ những khảo sát thực tế, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu, chọn lọc công nghệ xử lý cho phù hợp điều kiện thực tế của TP.HCM, để làm sao biến rác thành điện, khí hóa lỏng CNG (compress natural gas) để sử dụng cho các loại xe mới, phân bón vi sinh, phân hữu cơ…”, ông David Dương khẳng định.
Đó là chưa kể, để hỗ trợ TP.HCM đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo vệ sinh khi thu gom rác, CWS đã đầu tư đặt mua 2 chiếc xe thu gom rác được sản xuất tại Mỹ, nhưng thiết kế đặc thù dành cho thị trường Việt Nam. Cụ thể, xe thu gom có hàng rào bao quanh để xe máy lưu thông cùng chiều được an toàn, không bị cuốn vào xe; xe được trang bị máy phun mùi thơm để sử dụng trong điều kiện môi trường bụi và ô nhiễm đặc thù của TP.HCM; tải trọng, nhíp và một số linh kiện đặc thù cũng được đặt hàng sản xuất riêng để phù hợp điều kiện vận chuyển, sử dụng của TP.HCM…
“Mục tiêu của chúng tôi là chỉ còn 15% rác được xử lý chôn lấp theo đúng yêu cầu định hướng quy hoạch ngành xử lý rác của Chính phủ”, ông David Dương cho biết.
Theo yêu cầu của lãnh đạo TP.HCM, Đa Phước đã lập phương án chuyển đổi từ chôn lấp rác sang công nghệ sản xuất năng lượng từ rác thải. Cụ thể, Đa Phước sẽ đầu tư một nhà máy đốt rác công suất 1.000 - 2.000 tấn rác/ngày nằm trong khuôn viên Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước với quy mô 400 triệu USD. Yêu cầu của công nghệ này là phải có tuổi đời bền vững, thích ứng với điều kiện phát triển của Thành phố, đảm bảo hiệu quả xử lý, nhưng bảo vệ môi trường trong thời gian dài.
Ngoài Dự án Đa Phước, VWS còn khởi công Dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, Long An. Dự án có diện tích 1.760 ha này có hình bông sen nhìn từ trên cao xuống, với một trung tâm giáo dục và đào tạo môi trường cùng khu vực vành đai cây xanh cách ly, được bao bọc 4 phía là các kênh rạch.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, trong thời gian 20 năm. Giai đoạn I sẽ đầu tư gần 500 triệu USD với công suất tiếp nhận 20.000 tấn rác/ngày. Khi hoàn thành, Dự án sẽ tiếp nhận 40.000 tấn rác/ngày. Đây sẽ là nơi có khả năng xử lý các chất thải từ rác thải sinh hoạt đến rác thải nguy hại, rác thải y tế; rác thải công nghiệp; rác thải điện tử, phân bón hầm cầu; bùn cống rãnh ô nhiễm, nước thải, vỏ xe cũ...
Dự án sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ xử lý môi trường của Hoa Kỳ. Cơ sở xử lý của khu này bao gồm khu chôn lấp công nghệ cao, nhà máy đốt rác sản xuất năng lượng, nhà máy xử lý nước rỉ rác công nghệ cao, nhà máy làm phân compost cùng nhà máy sản xuất điện từ khí bãi chôn lấp, khu tái chế chất thải thành nhiên liệu lỏng và nhiên liệu hơi đốt, khu điều hành, vành đai xanh... theo một giải pháp khép kín từ đầu đến cuối. Toàn bộ Dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và tạo việc làm cho khoảng 8.000 - 10.000 công nhân.
Vừa qua, tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc VWS và bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó tổng giám đốc VWS đã chuyển giao kinh phí 1 tỷ đồng cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM. Số tiền này sẽ được triển khai hỗ trợ cho 100 ca mổ mắt của bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể tại Bình Thuận, Đồng Tháp, Cà Mau và thực hiện 25 ca mổ tim cho các bệnh nhân bị bệnh tim đang trong giai đoạn hiểm nghèo nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông David Dương cho biết, quan điểm của VWS là đóng góp hết sức cho quê hương. Ngoài hoạt động kinh doanh, VWS còn quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó hỗ trợ bênh nhân nghèo thoát khỏi tình trạng mù lòa. Đây là một trong những hoạt động được VWS xúc tiến nhiều năm qua, với kinh phí hàng trăm triệu đồng/năm.
“Trong tuần trước khi vừa về nước đến thăm một bệnh nhi được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM hỗ trợ, tôi được biết có nhiều trường hợp bệnh tim đang trong giai đoạn thập tử nhất sinh rất cần hỗ trợ kinh phí. Do vậy, tôi quyết định hỗ trợ ngay cho Hội để triển khai các hoạt động này. Đây chỉ là hành động nhỏ vì qua tìm hiểu, còn rất nhiều hoàn cảnh khác cần hỗ trợ và cần sự chung tay của cả cộng đồng nói chung và cộng đồng doanh nhân nói riêng”, ông David Dương nói.
Được biết, ngoài các hoạt động hỗ trợ tài chính cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của TP.HCM, VWS còn thành lập Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương với số tiền hàng tỷ đồng, nhằm hỗ trợ vốn, tạo kế sinh nhai cho hàng trăm trường hợp. Đồng thời, VWS còn tham gia tổ chức các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khác tại TP.HCM, Long An…