Ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ảnh: AFP |
Tuy vậy, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende cho rằng Washington còn lâu mới thoát khỏi những thách thức trong lòng nước Mỹ cũng như những thách thức từ cuộc chiến Covid-19.
"Đã có những tín hiệu mới từ chính quyền Tổng thống Joe Biden trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như việc tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; nhưng việc làm thế nào để Mỹ có thể trở thành một nền kinh tế carbon thấp vẫn còn là những bước đi quan trọng", ông Brende nói.
Theo Chủ tịch WEF, những động thái trên của chính quyền Tổng thống Joe Biden cộng với quyết định sẽ tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã được cộng đồng các bên tham gia WEF "nồng nhiệt chào đón".
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Chương trình nghị sự Davos của WEF được tổ chức trực tuyến trong tuần này, Chủ tịch WEF lưu ý: "Chúng ta đang ở trong tình cảnh vẫn có những cuộc đối đầu địa chính trị". "Một thế giới bị rạn nứt, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ phát triển như thế nào trong những năm tới", ông Brende e ngại.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng quan hệ Mỹ-Trung là thách thức địa chính trị và là dấu hỏi quan trọng nhất đối với chính quyền Biden. Ngay trong nước Mỹ, nhiều lĩnh vực vẫn đang đối mặt với khó khăn và vẫn phải xem liệu Tổng thống Biden, người đã tung ra chiến dịch về đoàn kết và hàn gắn nước Mỹ, có thể xóa bỏ được những chia rẽ bị hằn sâu dưới thời chính quyền Donald Trump trong 4 năm qua.
"Thực tế là chúng ta vẫn đang đối mặt với một nước Mỹ rất phân cực, tôi không nghĩ Mỹ đã thoát khỏi đại dịch. Những con số (liên quan đến Covid-19) thực sự tồi tệ", ông Brende nhấn mạnh. "Vì vậy, cũng sẽ có 100 ngày rất khó khăn trước mắt Tổng thống Biden, nhưng tôi nghĩ ông ấy có một đội ngũ rất giàu kinh nghiệm trong Nội các", Chủ tịch WEF nói thêm.
Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại Mỹ được cho là cao nhất thế giới. Hơn 419.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19, trong khi quốc gia này vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục, hiện đã vượt mốc 25 triệu ca kể từ dịch bùng phát tại nước này.
Tại quốc gia 330 triệu dân này, một chiến dịch tiêm chủng vaccine kháng Covid-19 trên diện rộng đang được triển khai, nhưng tiến độ đã chậm hơn so với dự kiến ban đầu.
Trong tuần đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Biden đã ký một loạt lệnh tăng tốc phân phối vaccine kháng Covid-19, tăng cường xét nghiệm, và bắt buộc đeo khẩu trang trong khuôn viên các cơ quan công quyền liên bang.
Thách thức từ dịch Covid-19 đối với Washington còn rất lớn khi các biến chủng Covid-19 mới xuất hiện lây lan nhanh hơn, còn một bộ phận người dân phản đối các biện pháp phòng chống dịch bệnh và không tin tưởng vào hiệu quả tiêm vaccine.
Chủ tịch WEF nhận định: "Nhìn chung bây giờ đã có ánh sáng ở cuối đường hầm, ít nhất là việc phân phối và tiêm chủng vaccine". "Nhưng việc này cần nhiều thời gian, chúng tôi chỉ có thể hy vọng rằng các biến chủng Covid-19 mới sẽ bị chế ngự khi (người bệnh) được tiêm vaccine".
Trong khi đó, ông Feike Sijbesma, cựu CEO của Tập đoàn y tế đa quốc gia DSM (Hà Lan) và hiện là thành viên Ban quản trị WEF, lại cho rằng cần phải chứng thực những hành động sắp tới của chính quyền Biden trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Quả là tin tốt khi Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiệp định này trong những năm qua tập trung rất nhiều vào việc giảm thiểu tác động, ngăn chặn biến đổi khí hậu xảy ra, nhưng chúng ta không hoàn toàn đi đúng hướng đề ra 5 năm sau đó", ông Sijbesma nói. "Vì vậy, chúng ta cần nỗ lực để thích ứng với biến đổi khí hậu", cựu CEO của Tập đoàn DSM khuyến nghị.
Đồng quan điểm với Chủ tịch WEF về những thách thức trước mắt, ông Sijbesma cho rằng: "Về lâu dài, điều này (thích ứng với biến đổi khí hậu) sẽ giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm; còn nếu không làm gì, thực sự sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của chúng ta".