Thời sự
World Bank: Đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn tích cực
Thanh Huyền - 02/07/2019 07:38
Các chuyên gia của World Bank đánh giá, đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại nhưng triển vọng vẫn tích cực.

Chiều 1/7, Ngân hàng Thế giới (World Bank) họp báo công bố Báo cáo bán thường niên "Điểm lại", cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2019.

Theo Báo cáo này, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng từ yếu tố bất lợi bên ngoài. Rủi ro tiếp tục gia tăng do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên khi căng thẳng thương mại leo thang và biến động tài chính nhiều hơn. Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019.

Họp báo công bố báo cáo Điểm lại của World Bank (Ảnh: K.T)

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam đánh giá, triển vọng với Việt Nam vẫn tích cực. Động lực tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam vẫn là ngành chế tạo, đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình 11 - 12%/năm trong vòng 4 năm qua. Ngành dịch vụ đạt kết quả kinh doanh tốt - dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững.

Tỷ lệ nợ/GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn 58,4% năm 2018. Hoạt động thương mại sôi động đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới, với tỷ lệ thương mại trên GDP trong năm đạt gần 200%...

“Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, dẫn đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến. Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định khu vực và đa phương”. Ông Ousmane Dione đánh giá.

Nhìn chung, World Bank đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù có chậm hơn so với năm ngoái, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định.

Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế Việt Nam của World Bank:

Chỉ tiêu

2017

2018

2019

2020

2021

Tăng trưởng GDP

6,8

7,1

6,6

6,5

6,5

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

3,5

3,5

3,7

3,8

3,8

Nợ công (%GDP)

61,4

58,4

58,3

58,0

57,6

Nhận định về tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa ký kết hôm qua, ông Sebastian Eckardt, Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam cho rằng, hiệp định này có nhiều cam kết khó triển khai và lợi ích đầy đủ cũng khó có được ngay.

"Tăng niềm tin nhà đầu tư, tăng vốn FDI và đẩy mạnh xuất khẩu là các triển vọng tích cực. Tuy nhiên, nó chỉ có thể hiện thực hóa nếu làm đúng cam kết, nâng cao chất lượng triển khai", ông Sebastian Eckardt nói.

Một nội dung khác trong Báo cáo cũng đề cập đến việc Việt Nam dường như được hưởng lợi trước mắt từ xu hướng chuyển hướng thương mại sau khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang. Theo dữ liệu về thương mại của Mỹ cho giai đoạn kể từ đợt áp đặt thuế quan vòng đầu tiên từ giữa năm 2018, Việt Nam nằm trong số các quốc gia được hưởng lợi từ tranh chấp thương mại, ít nhất trong ngắn hạn. Dữ liệu quý I/2019 cho thấy, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam trong quý I với Mỹ tăng 13,5 tỷ USD so với 7,5 tỷ USD quý I/2018.

Ông Sebastian Eckardt cho rằng, căng thẳng thương mại cũng tạo ra cơ hội cho Việt Nam khi xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam tăng hơn. "Trước đây, việc Trung Quốc chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam đã có rồi. Tuy nhiên, sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng tăng cao, xu hướng chuyển dịch này càng cao hơn", ông Sebastian Eckardt cho hay.

Mặc dù vậy, ông vị Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank cũng thẳng thắn cho rằng, ông không kỳ vọng quá nhiều về lợi ích từ chuyển đổi thương mại của Trung Quốc, do năng lực của Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung khi Việt Nam vừa ký kết hiệp định CPTPP và EVFTA, ông Sebastian Eckardt cho rằng điều này sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư về lợi ích từ chuyển dịch thương mại. Đặc biệt, EVFTA sẽ có tác động cao đối với thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu nếu Việt Nam thực hiện tốt các cam kết.

Tin liên quan
Tin khác