Các nhà thầu đang gấp rút thi công trên công trường xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. |
Giảm áp
Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thúc đẩy một số dự án hạ tầng giao thông được tổ chức vào cuối tuần trước được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng giúp Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có thêm hy vọng đưa Dự án BOT Đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Trung Lương - Mỹ Thuận (Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận) sớm trở lại đường đua.
Cụ thể, tại cuộc họp này, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận phải cơ bản thông xe trong năm 2020, khánh thành vào đầu năm 2021 và khẳng định, Chính phủ sẽ bố trí đủ nguồn vốn cho công trình này.
“Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề này”, Thủ tướng yêu cầu. Đây đã là lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua, Thường trực Chính phủ đã phải họp để giải quyết những vướng mắc tại Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chỉ diễn ra chưa đầy 1 ngày sau khi xuất hiện những thông tin liên quan đến việc công trình huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây có khả năng dừng khi công do vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay thương mại không được giải ngân đúng kế hoạch.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận khẳng định, nếu những chỉ đạo của Thủ tướng sớm được cụ thể hóa, nhà đầu tư sẽ huy động tổng lực nhân lực và tài chính để có thể bám được mục tiêu của Thủ tướng đặt ra.
Tháng 3/2019, trong Thông báo số 99/TB - VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ hôm 20/2/2019 về xử lý vướng mắc đối với Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận nêu rõ, Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, Dự án đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra do có những khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của nhà đầu tư dự án.
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho Dự án, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới sẽ quyết định điều chỉnh dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo doanh nghiệp dự án rà soát lại phương án tài chính của Dự án trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (do không còn phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công) sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước.
Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, kể từ khi tái khởi động công trình từ tháng 3/2019 đến nay, Dự án đã có những chuyển biến tích cực. Sau khi được tăng cường vốn, năng lực quản lý với sự xuất hiện của Công ty CP Đèo Cả, doanh nghiệp dự án đã mạnh tay thay thế một loạt nhà thầu yếu và bằng các đơn vị thi công có năng lực. Sau 3 tháng tăng tốc, Dự án đã hoàn thành được 22%, tăng 12% so với trước quý I/2019, chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư (khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng mức đầu tư).
Mắc mớ vốn vay
Khó khăn về nguồn vốn tín dụng để triển khai công trình cũng được Kiểm toán Nhà nước nhắc đến trong Thông báo số 249/TB - KTNN ngày 5/7/2019 về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.
Quyết định kiểm toán Dự án được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và doanh nghiệp dự án. Trong văn bản gửi tới Bộ GTVT và Kiểm toán Nhà nước, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, việc kiểm toán sớm là rất cần thiết do tính chất phức tạp của Dự án; yêu cầu tiến độ hoàn thành năm 2020; tạo thuận lợi cho việc bàn giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền và để nhà đầu tư có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20/2/2019.
Trong Thông báo số 249, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, tại thời điểm kết thúc kiểm toán (ngày 10/5/2019), Dự án bị chậm tiến độ theo quy định của hợp đồng BOT, nhà đầu tư không ký được hợp đồng tín dụng theo thời hạn quy định của hợp đồng BOT; tạm ứng và cho vay vốn chủ sở hữu không đúng quy định; cho phép một số nhà thầu thi công khi chưa thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, một số điều khoản của Hợp đồng tín dụng số 01/2018/HĐTD/BOT - TLMT giữa nhà đầu tư và ngân hàng cho vay không phù hợp với hợp đồng BOT dẫn đến không giải ngân được vốn vay; phần vốn huy động từ Hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp dự án và Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng TP.HCM chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là vốn chủ sở hữu hay vốn vay. Trách nhiệm này được Kiểm toán Nhà nước quy cho Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đơn vị này cũng được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là chưa thực hiện nghiêm và đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 99. Cụ thể, phương án tài chính Dự án đang tạm xác định thời điểm nhà nước bố trí đủ vốn hỗ trợ là tháng 1/2021 và tính lãi vay trong 12 tháng cho phần ngân sách nhà nước chưa được bố trí để làm cơ sở phê duyệt phương án tài chính; vốn chủ sở hữu được tính toán tăng thêm so với ban đầu nhưng chưa xem xét việc nhà đầu tư có khả năng góp đủ vốn chủ sở hữu tăng thêm hay không.
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp dự án phải xây dựng phương án đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu chiếm 20% tổng mức đầu tư không bao gồm phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định điều chỉnh phương án tài chính và làm cơ sở để đàm phán với ngân hàng cho vay đủ tỷ lệ vốn vay, tương ứng với 80% tổng mức đầu tư không bao gồm phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.