Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an tại phiên giải trình (Ảnh: Mỹ An). |
Bên cạnh xác thực số điện thoại, Bộ Công an sẽ bàn với ngân hàng tiến hành xác thực tài khoản thanh toán để hạn chế tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, trong đó có tội phạm mua bán người.
Thông tin trên được Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nêu tại phiên giải trình “việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người” được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 8/5.
Điều tra, truy tố chưa đáp ứng yêu cầu
Tại đây, khá nhiều ý kiến còn băn khoăn về kết qủa điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người còn chưa đáp ứng yêu cầu, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người hiệu quả chưa cao.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Uỷ ban Tư pháp cho biết, trong kỳ báo cáo, cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành khởi tố 386 vụ/808 bị can. Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng đã tiến hành khởi tố sau đó chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ/68 đối tượng.
Trong đó, đã kết thúc điều tra, chuyển viện kiểm sát cùng cấp để truy tố 339 vụ/693 bị can. Nhìn chung, công tác điều tra của cơ quan điều tra các cấp cơ bản bảo đảm chấp hành đúng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế. Thậm chí, số lượng các vụ án án bị khởi tố về các tội mua bán người ít hơn so với giai đoạn trước.
Giai đoạn từ 2012 - 2020, trung bình khởi tố 162 vụ/1 năm; giai đoạn từ năm 2018 - 2022, trung bình khởi tố 77,2 vụ/1 năm.
Các vụ án mua bán người được phát hiện chủ yếu qua đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân. Chất lượng điều tra còn có mặt hạn chế, vẫn còn 56 bị can phạm tội mua bán người bỏ trốn phải truy nã.
Có những vụ án xảy ra trong thời gian dài, phạm tội có tổ chức, nhiều đối tượng cấu kết cùng thực hiện tội phạm với nhiều nạn nhân bị mua bán trong đó có nhiều người dưới 16 tuổi nhưng không được kịp thời phát hiện.
Hồi âm quan tâm của các vị đại biểu, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nói, qua 12 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động. Trong đó, tội phạm hiện đang lợi dụng sự phát triển công nghệ để thực hiện hành vi phạm pháp.
Theo Thứ trưởng thì tỷ lệ xử lý nhóm tội phạm này chưa đạt như các nhóm tội phạm khác là do nhiều nguyên nhân, trong đó đây là loại tội phạm ẩn, liên quan tâm lý người bị hại, việc thu thập chứng cứ vật chất ở nước ngoài, hành vi phạm tội diễn ra từ lâu...
Một trong những vấn đề quan trọng, theo ông Ngọc là cần chính sách hỗ trợ và kinh tế với người yếu thế, đồng thời, đảm bảo đời sống để người dân không bị lợi dụng dòng di cư việc làm rồi rơi vào bẫy lừa đảo mua bán, tránh việc dù biết nhưng vẫn bán bộ phận cơ thể của chính mình.
Đề cập đấu tranh việc lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội trên không gian mạng và mạng viễn thông - vấn đề nhiều đại biểu lo ngại, ông Ngọc nhìn nhận, qua Đề án 06 xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại đã góp phần làm chuyển biến tình hình.
Thứ trưởng Ngọc cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện mạnh mẽ và đến ngày 15/4, với những thuê bao không xác thực chính chủ đã bị cắt liên lạc 2 chiều.
Qua đó, đã phát hiện 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ và không ít trong đó tiềm ẩn việc tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, còn lại có những dạng sim được khuyến mãi, sau đó không dùng nữa.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng thông tin sắp tới, Bộ sẽ bàn với ngân hàng tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. "Như vậy, chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức sim điện thoại hay thanh toán tài khoản, tiền", ông Ngọc nhấn mạnh.
Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh
Liên quan đến việc xác thực các tài khoản trên mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp cụ thể.
Khi cơ quan điều tra ở địa phương làm văn bản gửi Bộ đề nghị xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử xác thực xem chủ tài khoản đó là ai.
Trong đó có trường hợp xác định được, có trường hợp còn gặp khó khăn do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới, ông Lâm cho biết.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại phiên giải trình - (Ảnh: Mỹ An). |
Việc này, theo ông Lâm, tới đây sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể, khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi. Trong dự luật này đã quy định sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như là các nền tảng trong nước.
"Nếu như không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ ngăn chặn. Ngăn chặn việc sử dụng các ứng dụng này để lập hội nhóm làm những việc lừa đảo, không truy vết được", ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, ông Lâm nêu rõ nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được ban hành trong cuối năm 2023 với thay đổi rất quan trọng.
Cụ thể yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok...
"Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau", ông Lâm cho biết.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định việc ngăn chặn, xóa bỏ các tài khoản mạng xã hội vi phạm cho dù là của ứng dụng nước ngoài thì Bộ làm được. Tuy nhiên, khi ngăn chặn, xóa bỏ thì vô hình chung làm mất đi dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn cho việc củng cố chứng cứ, đấu tranh của các lực lượng khác.